Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia tăng tai nạn đuối nước trong dịp hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, các em học sinh từ Tiểu học đến THCS, THPT đang tất bật ôn tập và thi học kỳ 2. Vài tuần nữa, các em sẽ bước vào kỳ nghỉ hè. Được nghỉ hè là niềm mong ước cháy bỏng của bao thế hệ học trò. Bởi lẽ, trong kỳ nghỉ hè, các em không còn lặc lè chiếc cặp to đùng trên vai, không còn chịu áp lực học hành. Ý nghĩa hơn, vào hè, các em được vui chơi thỏa thích sau một năm học tập căng thẳng.

Tuy vậy, khi cánh cổng trường học khép lại cũng là lúc các bậc phụ huynh bắt đầu cảm thấy lo lắng. Ngoài chuyện lo cho con cái học cua, học kèm ở đâu, nhiều phụ huynh còn phải đối diện với nỗi lo an toàn tính mạng cho con trẻ một khi tạm rời khỏi sự quản lý của nhà trường. Trên thực tế, sự lo lắng của các bậc phụ huynh là có cơ sở khi tai nạn thương tích, đặc biệt là các vụ đuối nước trong học sinh ngày càng gia tăng trong dịp hè.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù chưa bước vào kỳ nghỉ hè nhưng tại tỉnh Đak Nông vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 4 học sinh lớp 8 tử vong. Tranh thủ thời gian nghỉ học, chiều 9-5 vừa qua, một nhóm học sinh Trường THCS Đak Buk So (xã Đak Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông) rủ nhau ra bờ hồ chơi. Trong lúc mải chơi, một học sinh bị trượt chân ngã xuống hồ. Thấy vậy, các em còn lại chạy đến cứu nhưng tất cả đều bị rơi xuống hồ. Hậu quả, trong số 6 em học sinh hôm ấy có đến 4 em tử vong. Đó là những cái chết vô cùng thương tâm, để lại niềm tiếc thương đối với gia đình và xã hội. Song, vụ đuối nước cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với các em học sinh về kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, về sự quản lý của gia đình đối với con em.

Tại Gia Lai, tình trạng học sinh đuối nước xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè. Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ đuối nước khiến 25 trẻ em tử vong. Đến giờ, người dân trong vùng vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại vụ đuối nước xảy ra hồi trung tuần tháng 3 tại sông Ba khiến 3 em học sinh lớp 9A Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) tử vong.

Theo phân tích của ngành chức năng, hiện nay, thực tế cuộc sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước trong học sinh. Trước hết, trên địa bàn tỉnh có nhiều sông suối có độ dốc cao, nước chảy xiết; cùng với đó là nhiều hồ thủy lợi phục vụ nước tưới cho cây công nghiệp. Trong khi đó, tại nhiều vị trí nguy hiểm lại không hề có biển cảnh báo. Đây thực sự là những cái “bẫy” cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em nói chung, học sinh nói riêng. Khách quan là vậy, còn nguyên nhân chủ quan thì phần lớn học sinh chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Theo đó, nhiều học sinh chưa nhận biết được khu vực có thể dẫn đến đuối nước, chưa được trang bị kỹ năng bơi lội, chưa được tập huấn kỹ năng thoát hiểm hoặc sơ cứu người bị đuối nước... Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa chú trọng quản lý các hoạt động của con em trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.  

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Tuấn, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em tử vong do đuối nước là vì không biết bơi. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi ở mức dưới 30%. Vì vậy, trong dịp hè năm nay, Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng-chống đuối nước trẻ em tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hy vọng, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng cộng với sự quan tâm của nhà trường và gia đình, tình trạng đuối nước trong học sinh cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng sẽ được kéo giảm, tai nạn đuối nước sẽ không còn là ẩn họa với tất cả mọi người.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm