Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ tháng 11-2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích rừng bị phá là hơn 8,7 ha. Tang vật, phương tiện vi phạm gồm 87,27 m3 gỗ, 11 xe ô tô, 35 xe công nông, 36 xe máy. Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 57 vụ, phạt tiền hơn 763 triệu đồng, tịch thu 22,309 m3 gỗ, 60,5 ster và 14.720 kg củi; chuyển xử lý hình sự 3 vụ về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; đang tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý 42 vụ.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở chế biến gỗ ở xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: N.H |
Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc hiện chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương, đơn vị chủ rừng không phát hiện kịp thời để ngăn chặn người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật dẫn đến số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng. Tuy nhiên, các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, không còn “điểm nóng” như những năm trước.
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-thông tin: Cuối năm 2022, UBND huyện đã triển khai phương án lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống camera giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng kết hợp giám sát an ninh trật tự. Đến nay, toàn huyện đã lắp đặt được 46 camera tại 11 xã. Nhờ có hệ thống camera theo dõi, giám sát ở các khu vực trọng điểm, nhất là các tuyến đường ra vào rừng, kết hợp nguồn tin tố giác ở cơ sở, lực lượng chức năng đã mật phục bắt giữ một số vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, một số xã như Chư Rcăm, Ia Rsai, Ia Hdreh, Ia Rsươm, Uar vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp.
“Do nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của người dân rất lớn, trong khi quỹ đất hạn chế nên nhiều người lén lút xâm lấn đất rừng. Bên cạnh đó, một số người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tự ý vào rừng khai thác gỗ, củi. Đặc biệt, diện tích rừng do UBND các xã quản lý còn rất lớn, trong khi lực lượng bảo vệ rừng của xã chủ yếu kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ, phương tiện và công cụ hỗ trợ, trong khi các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, tinh vi”-ông Dụng cho biết.
Sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp
Ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Thời gian qua, đoàn liên ngành của tỉnh và các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét lâm tặc nên đã góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Mặc dù số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng nhưng tính chất, mức độ chủ yếu là nhỏ lẻ, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số vận chuyển, tàng trữ gỗ, củi phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sửa chữa nhà ở.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thường xuyên kiểm tra những diện tích liền kề. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Cũng theo ông Hà, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương chưa tốt, thiếu quyết liệt, sâu sát trong kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, do thiếu đất sản xuất nên xảy ra tình trạng xâm canh, phá rừng làm rẫy. Việc xử lý người dân tộc thiểu số phá rừng, lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất gặp nhiều khó khăn do đa số là hộ nghèo, cận nghèo, không hiểu biết pháp luật. Diện tích rừng do các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp và các xã quản lý rất lớn nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Thu nhập và các chế độ chính sách của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn thấp, trong khi biên chế còn mỏng, chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
“Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị chủ rừng và lực lượng chức năng của các địa phương tổ chức tuần tra truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng giáp ranh giữa các huyện và xã, khu vực biên giới và địa phương còn nhiều tài nguyên rừng. Vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Quản lý chặt nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Tìm hiểu, nắm bắt thông tin hoạt động của các đối tượng chuyên phá rừng, khai thác rừng kết hợp quản lý tốt địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin.