Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Giá thuê ô tô tự lái tăng gấp đôi vẫn 'cháy' hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để chủ động đi lại và không bị mưa gió, rét, đặc biệt là với gia đình có con nhỏ, nhiều người dân sống tại Hà Nội đã chọn hình thức thuê ô tô tự lái để đi lại dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, hiện giá xe thuê đang được đẩy cao chót vót và kèm theo nhiều điều kiện.

Trên các tuyến phố có nhiều cửa hàng, văn phòng cho thuê ô tô tự lái như Đại Cồ Việt, Nguyễn Khoái, Nguyễn Trãi, Võ Chí Công, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Trần Thái Tông… ngày 23/1, PV Tiền Phong ghi nhận, hầu hết các cửa hàng ở đây đã cho thuê ô tô loại từ 5 đến 7 chỗ với giá 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ngày (cao gấp đôi ngày thường). Tuy nhiên, khi phóng viên trong vai người có nhu cầu hỏi thuê xe, hầu hết đại diện các cửa hàng cho biết đã “chốt hết đơn” cho thuê xe dịp Tết từ nhiều tuần qua. Phải nhờ một số “kênh” thường xuyên thuê ô tô đi du lịch, cưới hỏi tại Hà Nội, chúng tôi mới biết được một vài địa chỉ còn xe.

Đại diện cửa hàng “Cho thuê xe Long Biên” (Cty TNHH Phát triển du lịch Long Biên, số 642 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) cho cho biết, cửa hàng có các dòng xe cho thuê từ 5 đến 7 chỗ. Tuy nhiên, hiện dòng xe 5 chỗ cho thuê đi chơi Tết đã hết, cửa hàng chỉ còn một số xe loại 7 chỗ, dòng KIA Sorento, Vinfast Lux A 2.0…

Về giá thuê các dòng xe này, đại diện cửa hàng cho biết, khoảng 1,6 đến 1,8 triệu đồng/ngày (ngày thường là 800 - 1 triệu đồng/ngày). Tuy nhiên, để thuê được xe đi dịp Tết Giáp Thìn, đại diện cửa hàng đưa ra điều kiện, khách hàng phải tuân thủ thuê trọn 10 ngày. Như vậy, giá thuê xe Tết dòng xe 7 chỗ tại cửa hàng “Cho thuê xe Long Biên” “trọn gói” 10 ngày từ là 16 đến 18 triệu đồng.

Tại cửa hàng cho thuê xe Văn Minh, số 117 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), chúng tôi được đại diện cửa hàng thông tin, mặc dù cả dòng xe 5 chỗ và 7 chỗ cho thuê dịp Tết đều còn nhưng giá cao hơn ngày thường và kèm nhiều điều kiện. Cụ thể, khách hàng phải thuê trọn gói cả 10 ngày, và giá từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ngày tùy loại xe. Với dòng xe Toyota Vios và Hyundai Accent cửa hàng đang có, dịp Tết có giá 1,5 triệu đồng ngày (cao gấp đôi giá ngày thường); với dòng xe 7 chỗ Vinfast Lux A 2.0 có giá 2 triệu đồng/ngày.

Ngoài những điều kiện: khách phải thuê xe trọn gói 10 ngày, giá cao hơn giá thuê ngày thường rất nhiều, hiện hầu hết các cửa hàng cho thuê ô tô còn đưa ra các điều khoản kèm theo, yêu cầu khách tuân thủ, gồm: Đặt lại tài sản hoặc tiền trị giá 15 đến 20 triệu đồng; xuất trình căn cước công dân, bằng lái… riêng bằng lái sau khi xuất trình sẽ được cửa hàng sao chụp và trả lại để khách tham gia giao thông trên đường.

Anh Xuân, nhà ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân cho biết, mọi năm anh thuê xe 5 chỗ chỉ khoảng 800 - 1 triệu đồng, tuy nhiên năm nay đã tăng lên 1,2 đến 1,5 triệu. “Do gia đình đã có kế hoạch đi về quê ăn Tết nên sau khi sắp xếp được công việc, ngày 23/1 (tức 13 tháng Chạp năm Quý Mão) anh mới đi tìm thuê xe và đành chấp nhận giá thuê cao gấp đôi ngày thường, điều kiện thuê ngặt nghèo)” - anh Xuân nói.

Giá cao, rủi ro khách hàng phải chịu

Thiếu tá Đinh Vạn Sơn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng 8 Cục Cảnh sát giao thông (C08) - phụ trách công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình - Thanh Hóa cho biết, theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường ngoài bằng lái phải có đăng ký, đăng kiểm ô tô bản gốc. Thiếu một trong các giấy tờ này, lực lượng chức năng sẽ tước quyền điều khiển phương tiện và tiến hành tạm giữ xe. Vậy nhưng, theo Thiếu tá Sơn, qua thực tế làm nhiệm vụ trên đường, một số trường hợp người điều khiển vi phạm luật giao thông, CSGT kiểm tra phát hiện người điều khiển tham gia giao thông thuê xe, mượn xe nhưng chỉ mang theo đăng ký xe bản phô tô hoặc bản công chứng.

Dịch vụ cho thuê xe tự lái Hà Nội dịp Tết hoạt động tất bật.

Dịch vụ cho thuê xe tự lái Hà Nội dịp Tết hoạt động tất bật.

Theo lãnh đạo Đội CSGT số 3, Phòng 8 (C08) với những lỗi vi phạm nhỏ, CSGT sẽ nhắc nhở và cho đi, nhưng nếu vi phạm các lỗi lớn, người điều khiển không có đăng ký xe bản gốc, lực lượng chức năng sẽ phải tạm giữ xe.

Từ thực tế này, Luật sư Bùi Sinh Quyền, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, với hầu hết ô tô cho thuê, chủ cửa hàng không bao giờ đưa bản đăng ký gốc cho người thuê xe. Có thể vì lý do an toàn cho tài sản hoặc là do xe đã được “cắm” ngân hàng nên chủ cửa hàng cho thuê xe chỉ đưa bản đăng ký xe công chứng cho khách thuê. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng nếu xe họ thuê đang được thế chấp ngân hàng, xe đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, kiện tụng.

“Do vậy, để tránh những tình huống trên, khi nhận giấy tờ xe, khách hàng cần kiểm tra, đối chiếu với giấy tờ (bản gốc), nếu xe không có giấy tờ gốc tốt nhất không nên thuê, việc này nhằm tránh thiệt hại, rủi ro nếu phương tiện lưu thông trên đường không may xảy ra các sự cố”, ông Quyền nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, mặc dù đã hình thành hàng chục năm nay nhưng loại hình cho thuê ô tô tự lái hiện vẫn chưa được quản lý bằng các điều kiện kinh doanh vận tải. Cùng với đó, giá cho thuê xe, điều kiện về an toàn xe, yếu tố pháp lý của xe… cũng bỏ ngỏ. Do vậy, ông Liên cho rằng, cơ quan chức năng cần xem loại hình này là một loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện và phải tuân thủ các quy định, giám sát của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm