Kinh tế

Nông nghiệp

Giá tiêu tăng 500 đồng/kg, đơn hàng xuất khẩu dồi dào, tín hiệu gì từ thị trường Trung Quốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2022 đạt 4.700 USD/tấn, giúp đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 74,18 triệu USD, tăng tới hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021. Tại thị trường trong nước, giá tiêu xô tăng nhẹ ở Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện được thu mua từ 82.000-85.000 đồng/kg.
Giá tiêu xuất khẩu tăng hơn 50%, đơn hàng dồi dào
Theo khảo sát, giá tiêu xô tại Đồng Nai hôm nay khoảng 81.500 đồng/kg; tại Bình Phước 84.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 85.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với ngày 23/2.
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai nhích nhẹ 500 đồng/kg, hiện đạt khoảng 82.000 đồng/kg. Địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu duy trì ổn định ở mức 83.000 đồng/kg. 
Đáng chú ý, một số đại lý thu mua nông sản ở huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đang thu mua tiêu xô với giá 86.200 đồng/kg, đầu giá. 

Nông dân xã Ea H’leo (huyện Ea H'leo - Đắk Lắk) thu hoạch tiêu. Ảnh: baodaklak
Nông dân xã Ea H’leo (huyện Ea H'leo - Đắk Lắk) thu hoạch tiêu. Ảnh: baodaklak
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 1/2022 đạt 15.784 tấn, tăng 735 tấn. Tức tăng 4,88 % so với tháng 12/2021 và giảm 1.018 tấn, tức giảm 6,06% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2022 đạt 74,18 triệu USD, tăng 3,30 triệu USD. So với tháng 12/2021 tăng 4,66% và tăng 25,70 triệu USD, tức tăng tới 53,02 % so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Vũ Thùy Dung - Phó Giám đốc Thương mại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak Ltd) cho biết, dự kiến trong 2 tháng đầu tiên của năm 2022, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp sẽ xuất khẩu 10.000 tấn cà phê, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và 1.000 tấn tiêu. 
Một tín hiệu vui nữa là ngay từ đầu năm mới, xuất khẩu nông sản đang có mức giá tốt hơn. Đáng nói hơn cả, hồ tiêu xuất khẩu có giá tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng khá dồi dào, tính đến hiện tại, công ty đã có đơn hàng đến hết quý II/2022.
Điều này khiến cả nhà xuất khẩu lẫn nông dân đều được hưởng lợi. Đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh, tín hiệu gì từ thị trường Trung Quốc?
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế IPC, hiện Hoa Kỳ đã có đơn hàng cho năm 2022, trong khi thị trường Trung Quốc sức mua chậm lại; châu Âu tương đối dè dặt nhập hàng. 
Dự báo sức mua từ thị trường Trung Đông có thể chưa tăng trở lại sớm. Về cơ bản nhu cầu hồ tiêu toàn cầu vẫn ổn định trong khi nguồn cung toàn cầu không tăng.
Số liệu 10 tháng năm 2021 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,79 triệu USD. 

Top 15 thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam. Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Top 15 thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam. Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc Trung Quốc mua chậm hoặc thậm chí ngừng mua tùy thời điểm cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giá tiêu trên thị trường biến động. Cụ thể, từ mức thu mua bình quân 3.000-4.000 tấn/tháng thì trong tháng 10, khách hàng Trung Quốc chỉ mua 546 tấn, tháng 11 mua 463 tấn, tháng 12 mua 513 tấn. 
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất hạt tiêu của Việt Nam tại khu vực Châu Á. Tổng khối lượng hạt tiêu Trung Quốc mua của Việt Nam năm 2021 đạt 38.259 tấn, giảm 31,7% so với năm 2020.
Các thương nhân Trung Quốc thu mua cả tiêu đen lẫn tiêu trắng của Việt Nam, sau đó đưa về chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và tiếp tục xuất khẩu. 
Theo Thiên Hương (Dân Việt)
https://danviet.vn/gia-tieu-tang-500-dong-kg-don-hang-xuat-khau-doi-dao-tin-hieu-gi-tu-thi-truong-trung-quoc-20220225002620972.htm

Có thể bạn quan tâm