Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 9 tỷ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017 và chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đó là một trong những kết quả nổi bật của ngành Lâm nghiệp được cho biết tại Hội nghị Tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) diễn ra sáng 24/12, tại Hà Nội.
 
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: HV)
Trong năm 2018, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình là công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, trong năm, cả nước đã phát hiện 12.945 vụ, giảm 3.577 vụ (tương ứng giảm 22%) so với năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.
Trên lĩnh vực phát triển rừng, cả nước đã trồng được 231.523 ha rừng, vượt kế hoạch năm đề ra. Riêng trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 15.070 ha, rừng sản xuất 216.453 ha.
Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017. Cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Một trong những kết quả tiêu biểu của ngành lâm nghiệp trong năm 2018 là giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017 và chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.
Năm 2018 cũng ghi nhận kết quả nổi bật của ngành trên lĩnh vực hợp tác quốc tế khi Việt Nam và EU đã ký chính thức Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018 tại Bỉ, mở ra nhiều cơ hội cho nước ta trong xuất khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2018, việc đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và trồng rừng có chứng chỉ. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận trong xã hội.
Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả ngành lâm nghiệp đạt được trong năm 2018, đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,65%; tốc độ tăng giá trị của ngành cao nhất trong khu vực nông nghiệp, đạt 6,12%. Cùng với đó là việc ký Hiệp định VPA/FLEG, được đánh giá là bước ngoặt, tạo tiền đề cho ngành gỗ phát triển.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vi phạm phá rừng vẫn là điểm nhức nhối, do đó phải kiên quyết đấu tranh. Lực lượng chuyên ngành cần rà soát lại, phối hợp với các bên liên quan, cố gắng cùng hệ thống thực hiện bảo vệ rừng. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách cho công tác quản lý, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần khai thác tiềm năng từ rừng, trong đó, hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp trở thành một thế mạnh của Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị cần triển khai đầy đủ, đồng bộ Luật Lâm nghiệp; triển khai quyết liệt, tích cực các nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT, đồng thời xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện.
BT (Đảng Cộng Sản VN)

Có thể bạn quan tâm