Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá xăng có thể giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh tới (25/11): Đừng vội mừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước thông tin giá xăng có thể giảm mạnh hơn 1.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh ngày 25/11 tới đây, nhiều chuyên gia nhận định, đây không phải là tín hiệu đáng mừng khi thị trường thế giới vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, cập nhật đến ngày 17/11, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore đang có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 dao động ở mốc 92-93 USD/thùng. Xăng RON 95 ở mức 95-96 USD/thùng. Giá dầu hỏa có thời điểm về dưới mốc 90 USD/thùng, dầu diesel 91-92 USD/thùng.

Mức này đều đã giảm khá mạnh so với chu kỳ trước. Tại chu kỳ trước, giá bình quân xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 99,03 USD/thùng, nhiều thời điểm leo lên mốc 103 USD/thùng. Tương tự, xăng RON 95 bình quân 102,5 USD/thùng, nhiều thời điểm cao ở mức 106 USD/thùng.

Trước diễn biến trên, giới chuyên môn dự báo, trong kỳ điều chỉnh tới đây, giá xăng dầu sẽ giảm sau 5 lần tăng liên tục. Theo đó, mức giảm có thể dao động 1.200-1.400 đồng mỗi lít xăng tùy loại và giá dầu giảm 400-600 đồng mỗi lít tùy loại. Tuy nhiên, do khả năng cao cơ quan điều hành sẽ tiến hành trích lập quỹ bình ổn nên mức giảm có thể sẽ ít hơn.

 

Giá xăng có thể giảm từ 1.200 đồng đến 1.400 đồng/lít vào ngày 25/11 tới. (Ảnh: Petrolimex)


Trước những tín hiệu trên của thị trường, nhiều người dân, doanh nghiệp bày tỏ sự "mong ngóng" vì mức giá xăng, dầu hiện tại đang "neo" khá cao. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá, việc giảm giá xăng thời điểm hiện tại ẩn chứa sự không ổn định, gây bất ổn cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, để có thể bình ổn được giá xăng, yếu tố tiên quyết là sự chủ động và đa dạng hóa nguồn cung.

"Đợt giảm giá lần này nếu có diễn ra cũng do động thái từ phía Mỹ khiến nguồn cung tăng lên. Theo đánh giá của tôi, việc này mang nhiều yếu tố không ổn định, phụ thuộc. Không thể nhìn vào việc giá xăng giảm được hơn 1.000 đồng/lít mà vội mừng.

Cần phải nhìn vào tổng thể cách điều tiết giá xăng là nguồn đầu vào của xã hội. Nếu cứ phụ thuộc vào thị trường thế giới, nền kinh tế của chúng ta luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn. Trong khi các nước luôn dự trữ trong nhiều tháng, Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu khoảng 20 ngày. Ngoài ra, hiện tại, chúng ta có 2 nhà máy lọc dầu vẫn chưa tận dụng hết, đây là nguồn cung rất lớn nếu điều hành tốt sẽ không bị phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu", Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia nhận định, các cơ quan quản lý cần có cơ chế mở rộng thêm đơn vị cung cấp xăng dầu. Thậm chí mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, tránh tình trạng "độc quyền", qua đó, giá xăng dầu sẽ cạnh tranh ở mức có lợi cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết thêm, quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là "vô hạn". Do đó, việc trích lập và chi quỹ để sử dụng không phải là biện pháp mang tính ổn định, lâu dài.

"Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ quỹ bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua", ông Thịnh cho hay.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) quý III/2021. Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý III/2021 (đến hết ngày 30.9.2021) là 824,088 tỷ đồng.

https://danviet.vn/gia-xang-co-the-giam-manh-trong-ky-dieu-chinh-toi-25-11-dung-voi-mung-2021112016162857.htm
 

Theo Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm