Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá xăng dầu dự báo giảm cao nhất đến 900 đồng/lít?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do giá xăng dầu thế giới biến động theo đà giảm, các doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh ngày mai (13/11) sẽ giảm.

Giá xăng dầu trong nước giảm theo xu hướng thế giới

Theo thông lệ, ngày 11/11 đến kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước nhưng do trùng ngày nghỉ cuối tuần nên sẽ lùi xuống 13/11, ngày làm việc đầu tiên của tuần mới.

Thông tin với VTC News, ông Phan Văn Chinh -Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào thứ hai ngày 13/11, thay vì ngày 11/11 như thường lệ.

"Điều này phù hợp với quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu", ông Chinh nói.

Nhiều doanh nghiệp dự báo, giá xăng dầu giảm từ 400 - 900 đồng/lít/kg vào kỳ điều chỉnh ngày mai 13/11.

Nhiều doanh nghiệp dự báo, giá xăng dầu giảm từ 400 - 900 đồng/lít/kg vào kỳ điều chỉnh ngày mai 13/11.

Dự báo về giá xăng dầu bán lẻ trong nước tại kỳ điều hành tới, nhiều ý kiến cho rằng giá các sản phẩm có thể giảm đồng loạt.

Dự báo, mức giảm của giá xăng có thể từ 300 - 400 đồng, trong khi mức giảm của giá dầu dao động từ 400 - 700 đồng/lít,kg.

Trong khi đó, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) nhận định, do diễn biến của giá dầu thế giới tuần qua liên tục giảm mạnh. Do vậy trong kỳ điều hành ngày mai (13/11), Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo xu hướng giảm.

“Nếu áp theo giá mới nhất, xăng có thể giảm 400 đồng/lít, về mức 22.235 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.529 đồng/lít (RON 95). Trong khi đó, giá dầu bán lẻ được dự báo giảm mạnh hơn, đặc biệt là giá dầu diesel có thể giảm 4,1%, tương đương 903 đồng xuống mức 21.037 đồng/lít. Dầu hỏa có thể giảm 634 đồng về mức 21.666 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 417 đồng xuống mức 15.823 đồng/lít . Nếu liên bộ trích lập quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm nhẹ hơn”, ông Giang Chấn Tây nói.

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/11 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 249 đồng/lít, lên mức 22.614 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 416 đồng/lít, lên 23.929 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 549 đồng/lít, không cao hơn mức 21.940 đồng/lít; dầu hỏa giảm 448 đồng/lít, không cao hơn 22.305 đồng/lít và dầu mazut giảm 373 đồng/kg, không cao hơn 16.240 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.

Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tăng nhẹ

Giá dầu thế giới rạng sáng nay ngày 12/11 cập nhật trên Oilprice tiếp tục biến động.

Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên giao dịch cuối tuần, lúc 7h00 sáng ngày 12/11 là 77,35 USD/thùng, tăng 1,89% (tương đương tăng 1,43 USD). Giá dầu Brent là 81,65 USD/thùng, tăng 2,05% (tương đương tăng 1,64 USD).

Từ đầu tuần đến nay, giá dầu có nhiều biến động, đặc biệt suy giảm nghiêm trọng. Do đó, cả hai loại dầu thô WTI và Brent đều ở dưới mốc 80 USD/thùng. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tăng trưởng tốt, quay trở lại đường đua xanh.

Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tăng nhẹ, nhưng trong tuần giảm mạnh. (Ảnh minh họa).

Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tăng nhẹ, nhưng trong tuần giảm mạnh. (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại nhu cầu suy yếu ở các nước tiêu thụ hàng đầu thế giới gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, từ liệu kinh tế hỗn hợp của Trung Quốc, xuất khẩu của OPEC tăng làm giảm bớt lo ngại về thị trường thắt chặt.

Theo Reuters, giá dầu tăng khoảng 2% vào thứ sáu khi Iraq lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm dầu của OPEC + trước cuộc họp trong hai tuần và một số nhà đầu cơ đảm bảo vị thế bán khống lớn trước sự không chắc chắn của giá dầu vào cuối tuần.

Trước tình trạng này, ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group nhận định cuối tuần sẽ xuất hiện một số lệnh bán khống.

“Đây là cơn bão kỹ thuật hoàn hảo. Chúng tôi bước vào tuần này với vị thế bán gần như kỷ lục và hiện chúng tôi đang thấy một số lệnh bán khống sẽ diễn ra vào cuối tuần”, ông Phil Flynn nói.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc trong tuần này làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu suy yếu. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, nước mua dầu thô lớn nhất từ Ả Rập Xê Út (nước xuất khẩu lớn nhất thế giới), đã yêu cầu nguồn cung ít hơn trong tháng 12.

Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đồng minh (OPEC+) sẽ có cuộc họp ngày 26/11 tới đây. Về phía Iraq, thủ đô nước này cho biết, cam kết tuân thủ thỏa thuận OPEC+ về việc xác định mức sản xuất.

Trong khi đó, nhà phân tích của RBC Capital Markets, ông Helima Croft cho rằng Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng sang quý đầu năm 2024 vì “lo ngại nhu cầu của Trung Quốc và triển vọng vĩ mô rộng hơn”.

Đồng thời, OPEC+ có thể cắt giảm nguồn cung hơn nữa nếu giá tiếp tục giảm, theo nhận định của các nhà phân tích tại Capital Economics.

Có thể bạn quan tâm