Thời sự - Bình luận

Lại chuyện thuế chờ giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rất nhiều người đã bày tỏ niềm vui khi hay tin thuế thu nhập cá nhân có thể được điều chỉnh vào tháng 10 tới, thay vì chờ đến cuối năm sau như kế hoạch.

Tất nhiên, điều chỉnh sớm các ngưỡng thuế quá lạc hậu ai chẳng vui. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài, sự lạc hậu của mức giảm trừ gia cảnh cũng kéo dài tương ứng thì niềm vui ấy còn nhân gấp nhiều lần.

Thế nhưng... (lại thế nhưng), xin nhấn mạnh là việc điều chỉnh chỉ xảy ra nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vượt quá 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất. Mà điều này thực tế... không có gì đáng vui.

Thứ nhất, nếu điều đó xảy ra - nghĩa là nếu CPI vượt quá 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất thì việc thay đổi là lẽ đương nhiên, là theo quy định của luật chứ hoàn toàn không phải vì Bộ Tài chính nghe góp ý, kiến nghị của các cử tri, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế và tiếng nói của người nộp thuế.

Thứ 2, lạm phát 4 năm qua chưa đến ngưỡng nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể từ năm 2020 đến hết 2024, chỉ số CPI tăng gần 16%. Đó cũng chính là lý do mà Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh mấy năm qua, bất chấp sự lạc hậu của các ngưỡng thuế đã được phân tích thấu đáo, dưới nhiều lăng kính, nhiều góc cạnh so với mặt bằng giá, thu nhập cũng như chi phí thực tế của người dân.

Vậy nếu vẫn lấy CPI làm cơ sở để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế sẽ lại dẫn đến tình trạng thuế lạc hậu nhưng vẫn mòn mỏi chờ giá như mấy năm qua. Còn lạc hậu như thế nào, cũng xin dẫn lại để chúng ta cùng nhìn nhận rõ thêm một lần nữa. Đó là mức giảm trừ cho người đóng thuế 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng và nếu có thu nhập từ 1 triệu đồng trở lên thì không được coi là người phụ thuộc. Trong đó, người đóng thuế không được khấu trừ bất cứ một khoản chi phí hợp lý nào. Nghĩa là nuôi con hay bố mẹ cũng chỉ gói gọn trong 4,4 triệu đồng/người/tháng. Còn nếu chẳng may người thân có thu nhập 1 triệu đồng rồi thì không được giảm trừ gia cảnh nữa. Đó là chưa kể đến các ngưỡng thuế bất hợp lý liên quan đến thuế TNCN với chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, với hộ kinh doanh... đã được nói nhiều lần.

Thuế phải chờ giá tăng tới ngưỡng quy định của luật để điều chỉnh nhưng giá để tính thuế (CPI) thì lại không phản ánh đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong đời sống của người dân... Thế nên lấy CPI làm cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cái gốc của vấn đề không phải là chờ CPI đạt 20% để điều chỉnh thuế TNCN sớm hay muộn mà phải thay đổi cơ sở điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Nhiều chuyên gia thuế đề xuất, nên quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Thiết nghĩ, đây là đề xuất hợp lý và khắc phục được những bất cập của cách tính hiện nay. Bởi hằng năm, lương tối thiểu vùng cũng điều chỉnh dựa trên quy mô kinh tế, thu nhập bình quân của người dân… Vì thế, lấy lương tối thiểu vùng làm cơ sở, cơ quan thuế không cần phải đề xuất hay chờ đợi không thể điều chỉnh ngay cả khi mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời như hiện tại.

Trở lại với thông tin ngưỡng giảm trừ gia cảnh có thể được điều chỉnh vào tháng 10 tới thay vì sang năm... một lần nữa lại cho thấy sự bất cập trong thực thi chính sách kiểu "gọt chân cho vừa giày". Luật cũng do con người, do chính chúng ta xây dựng lên. Nếu không còn phù hợp, nếu đã lỗi thời, nhất là sự lỗi thời đó gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân nói chung và người làm công ăn lương nói riêng thì cần nhanh chóng thay đổi.

Tại sao lại bắt thuế chờ giá, người đóng thuế chờ CPI tăng "đủ" mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu?

Theo Nguyên Mình (TNO)

Có thể bạn quan tâm