Kinh tế

Doanh nghiệp

Giá xăng dầu hạ nhiệt, doanh nghiệp vận tải "dễ thở" để hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong lúc lĩnh vực vận tải đang khó khăn nhất, Nhà nước đưa ra các chính sách về giảm thuế, giảm phí… là giải pháp thiết thực nhất để giúp các doanh nghiệp tái hoạt động trở lại.

Giá xăng dầu giảm đã khiến các doanh nghiệp vận tải đỡ gánh nặng phần nào về chi phí hoạt động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Giá xăng dầu giảm đã khiến các doanh nghiệp vận tải đỡ gánh nặng phần nào về chi phí hoạt động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)


Giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” khi giảm đến 3.000 đồng/lít từ ngày 11/7 đã khiến các doanh nghiệp vận tải đỡ gánh nặng phần nào về chi phí hoạt động và tạo điều kiện phục hồi kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Giảm nỗi lo chi phí

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng/lít với dầu, giá xăng dầu đã giảm mạnh khoảng 3.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 11/7 góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải cảm thấy hồ hởi và “dễ thở.”

Nhấn mạnh giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã giúp doanh nghiệp vận tải giảm áp lực rất nhiều, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hải Phòng cho hay trong lúc vận tải đang khó khăn nhất mà Nhà nước đưa ra các chính sách về giảm thuế, giảm phí… là giải pháp thiết thực nhất giúp các doanh nghiệp tái hoạt động trở lại.

“Giảm đến 3.000 đồng/lít là mức giảm lớn nhất kể từ khi giá xăng bắt đầu tăng liên tiếp trong 2 năm qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch COVID-19,” ông Hải nhìn nhận.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho rằng sau đại dịch COVID-19 cùng với việc giá xăng dầu leo thang khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vô cùng khó khăn.

Ông Bằng đưa ra dẫn chứng một xe chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai hiện nay đã lên mức gần 6 triệu đồng, chưa tính các chi phí vận hành, tương đương 45-50% doanh thu. Với mức chi phí này, nếu xe không kín chỗ, doanh nghiệp chắc chắn bù lỗ.

“Mọi tín hiệu tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vào thời điểm này đều rất quý báu, đặc biệt là giảm giá xăng dầu,” ông Bằng nói.

Thừa nhận việc giảm giá cước tại thời điểm này đơn vị chưa tính tới, theo ông Bằng, giá xăng dầu lại điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần nên chưa biết được tới đây giá có giảm nữa hay lại tăng. Vì vậy, nếu giá xăng dầu giảm liên tục trong nhiều kỳ, doanh nghiệp sẽ tính tới việc giảm giá cước.

Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (hãng taxi Vinasun) cho hay giá cước vận tải so với giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Chẳng hạn, giá xăng dầu tăng liên tục thì phải sau hơn 3 tháng, các doanh nghiệp vận tải mới gửi đơn xin các sở ngành cho tăng giá cước. Thường các doanh nghiệp gửi văn bản về các Sở Giao thông Vận tải, Tài chính, Cục Thuế… chờ các cơ quan đó có ý kiến. Sau 10 ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến là doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm.

“Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường, 10 hoặc 20 ngày sau giá lại tăng trở lại, việc đệ đơn xin giảm lúc này thì hãng taxi chưa đề cập đến và vẫn phải nghe ngóng thị trường một thời gian,” ông Hỷ khẳng định.

Nỗi lo với giá xăng dầu bấp bênh

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết hiện nay giá xăng dầu bấp bênh khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó xoay xở để điều chỉnh giá cước chạy theo, gây gia tăng chi phí.

“Giá xăng giảm sẽ giúp kìm hãm gia tăng lạm phát, doanh nghiệp cũng có điều kiện ổn định hoạt động và tới đây nếu giá xăng giảm liên tiếp sẽ có những điều chỉnh giá cước hợp lý với tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá,” ông Hùng cho hay.

Nhằm tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu đối với xăng dầu.

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Hà Sơn-Hải Vân bày tỏ lo lắng khi chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022.

“Nếu không sớm bình ổn được giá xăng dầu, sau thời điểm 31/12/2022 khi chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kết thúc, quay về mức ban đầu, doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn như một vòng luẩn quẩn,” ông Dũng e ngại.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hải Phòng kiến nghị Chính phủ có thể xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu góp phần kéo giảm thêm giá nhiên liệu thời gian tới.

Theo ông Hải, mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, trong khi đó, so với cuối năm ngoái, giá xăng dầu đã tăng đến 55%.

Ông Hải cũng mong Chính phủ quan tâm và có thêm biện pháp để đảm bảo về lãi suất ngân hàng vì hiện lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng cao, khiến các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rất khó.

“Việc giá xăng dầu ‘leo thang’ trong thời gian qua cùng với các khoản phí và lệ phí cũng tăng. Do đó, các doanh nghiệp vận tải khi hoạt động trở lại bình thường rất cần sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan”, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hải Phòng nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực đường bộ đó là giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 7Q/221/TT- BTC ngày 12/8/221 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.


Theo Việt Hùng (Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm