Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Giá xăng dầu lập đỉnh mới: Người dân, doanh nghiệp gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã 12 lần điều chỉnh với tổng mức tăng hơn 8.000 đồng/lít xăng và hơn 11.000 đồng/lít dầu. Giá xăng dầu ở mức cao đang gây áp lực lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với việc điều chỉnh tăng thêm hơn 800 đồng/lít xăng và 2.630 đồng/lít dầu diezel vào ngày 13-6, giá xăng dầu đã lập đỉnh mới. Cụ thể: xăng RON 95-V có giá 33.620 đồng/lít, xăng RON 95-III 33.010 đồng/lít, xăng E5 RON 92-II 31.730 đồng/lít, dầu diezel 0,05S-II 29.600 đồng/lít.

Điều chỉnh cước vận tải

Vừa qua, các doanh nghiệp vận tải khách đã đồng loạt ký cam kết về việc thực hiện bán đúng giá vé đối với một số tuyến đường dài áp dụng từ ngày 15-6. Theo đó, giá vé tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh 500 ngàn đồng/vé (xe 22 phòng), 350 ngàn đồng/vé (xe 31-34 phòng), 300 ngàn đồng/vé (xe 42-46 giường); tuyến Gia Lai-Đà Nẵng 440 ngàn đồng/vé (xe 22 phòng), 300 ngàn đồng/vé (xe 31-34 phòng); 250 ngàn đồng/vé (xe 42-46 giường).

Ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô tỉnh-cho biết: Các doanh nghiệp vận tải chưa kịp phục hồi sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nay lại đối diện với khó khăn do giá nhiên liệu liên tục tăng cao. Trước tình hình đó, Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp về cam kết thực hiện nhằm ổn định giá vé phù hợp với tình hình thực tế, giảm bớt áp lực do chi phí nhiên liệu tăng cao. “Nếu trước đây giá nhiên liệu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu giá cước thì nay chiếm khoảng 55%. Cùng với chi phí nhiên liệu, nhà xe còn phải trả nhiều khoản khác như: lương tài xế, phí đường bộ, tiền sửa chữa, hao mòn xe, đó là chưa kể lãi vay ngân hàng… nên lợi nhuận rất thấp. Nếu tỷ lệ khai thác đạt 80-100% thì may ra còn có lãi, còn hơn 50% thì coi như huề vốn, thậm chí là lỗ”-ông Hải phân tích.

Giá nhiên liệu đang chiếm khoảng 55% trong cơ cấu giá cước vận tải hành khách. Ảnh: Vũ Thảo
Giá nhiên liệu đang chiếm khoảng 55% trong cơ cấu giá cước vận tải hành khách. Ảnh: Vũ Thảo


Không chỉ vận tải khách mà nhiều nhà xe chở hàng hóa cũng đã tính toán điều chỉnh mức tăng giá cước cho phù hợp. Theo tính toán của các chủ xe, một xe tải trọng 3,5 tấn đi từ TP. Pleiku vào TP. Hồ Chí Minh mất khoảng 9 triệu đồng tiền dầu cộng với các chi phí khác, tăng hơn 1 triệu đồng so với trước kia. Hiện nay, tần suất chuyến đi cũng giảm so với trước rất nhiều, có nhà xe trung bình 4 ngày chở một chuyến hàng thì nay phải 7 ngày/chuyến. Trước tình hình đó, các nhà xe buộc phải tính toán lại giá cước vận chuyển để bù đắp chi phí tăng cao.

Đối với các tài xế chạy xe hợp đồng, giá xăng dầu tăng cao khiến thu nhập của họ giảm đi rất nhiều. “Nếu một chuyến xe hợp đồng trị giá 1 triệu đồng thì sau khi trừ chi phí, tôi chỉ còn hơn 250 ngàn đồng, trong khi trước đây được hơn 500 ngàn đồng. Nhiều khách hợp đồng đi gần quá buộc tôi từ chối vì không đủ chi phí”-anh Trịnh Xuân Tiên-một nhà xe chạy hợp đồng ở TP. Pleiku-cho hay.

Giá hàng hóa tăng

Xăng dầu tăng giá đã tác động trực tiếp đến giá bán các loại hàng hóa tăng bình quân ở mức 3-10%. Ông Trần Đình Lê-Giám đốc Siêu thị Vinmart Pleiku-thông tin: “Đà tăng giá diễn ra ở nhiều mặt hàng, trong đó, nhóm hàng nhập khẩu như: dầu olive, các loại sữa bột tăng mạnh hơn. Còn hàng sản xuất trong nước tăng 3-7%, tập trung vào nhóm hàng gia vị, thực phẩm đóng gói… Nguyên nhân được các nhà sản xuất đưa ra là do khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá thành bị đẩy lên. Hiện nay, các nhà cung cấp chốt mức giá theo từng thời điểm nên cũng đang rục rịch tăng trong thời gian tới”.

 Giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu hiện tăng 3-10% so với hồi đầu năm. Ảnh: Vũ Thảo
Giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu hiện tăng 3-10% so với hồi đầu năm. Ảnh: Vũ Thảo


Theo bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku: Liên tục 2 tuần qua, giá các mặt hàng thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng được điều chỉnh tăng. Trong đó, tăng 5-10% đối với một số mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng gia đình; thực phẩm và gia vị, đặc biệt, có những mặt hàng tăng đến 15%. “Trước đà tăng của hầu hết các nhóm ngành hàng, chúng tôi đang phối hợp với nhà sản xuất thực hiện cắt lô, đặt hàng số lượng nhiều để được hưởng giá tốt. Đồng thời, liên tục có các chương trình ưu đãi giảm giá nhằm hỗ trợ khách hàng mua sắm với mức giá tiết kiệm nhất”-bà Thy nói.

Việc giá các mặt hàng tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn trong điều chỉnh giá bán lẻ ở các cửa hàng. Bà Lê Thị Hồng Vinh-Chủ shop Lê Vy-cho hay: Hiện hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa, dầu ăn là tăng giá mạnh nhất. Cụ thể, 1 lon sữa bột Vinamilk sure prevent đã tăng thêm 60 ngàn đồng, từ mức 480 ngàn đồng lên 540 ngàn đồng; hay dầu ăn Simply chai 1 lít tăng từ 40 ngàn đồng lên mức 63 ngàn đồng… “Lý giải giá tăng ở hầu hết mặt hàng, các đại lý phân phối cho rằng một phần do nhà sản xuất điều chỉnh giá tăng, phần vì chi phí vận chuyển tăng. Nhiều khách hàng cũng ý kiến nhưng do giá hàng hóa tăng từ đầu nguồn chứ chúng tôi không tự ý tăng giá”-bà Vy cho biết thêm. Còn anh Nguyễn Thế Nhân (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) thì chia sẻ: “Nếu năm trước, giá cước vận chuyển 1 tấn phân bón từ Bình Định lên Gia Lai chỉ 300 ngàn đồng thì giờ đã lên đến 400 ngàn đồng/tấn. Vì vậy, tôi phải tăng giá bán lẻ tương ứng để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, có những đơn hàng tôi phải giảm bớt biên độ lợi nhuận để giữ mối chứ không dám tăng”.

Việc giá hàng hóa trên đà leo thang tác động rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là những công nhân lao động như chị Trần Thị Linh (xã Chư Á, TP. Pleiku). “Lương vợ chồng tôi trung bình mỗi tháng được 16 triệu đồng. Mức thu nhập này vừa đủ để sinh hoạt và nuôi 1 đứa con học cấp 2, gần như không có dư. Giờ xăng lên giá khiến giá thực phẩm cũng tăng theo buộc gia đình phải thắt chặt chi tiêu mới mong chi phí đủ trong 1 tháng”-chị Linh bày tỏ.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm