Thể thao

Thể thao cộng đồng

Giấc mơ dang dở của PVF

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tập đoàn Vingroup trao tặng toàn bộ Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, chấm dứt giấc mơ đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup.

Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF khánh thành trụ sở mới ở Hưng Yên năm 2017. Ảnh: Đăng Huỳnh
Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF khánh thành trụ sở mới ở Hưng Yên năm 2017. Ảnh: Đăng Huỳnh
Lời hứa đến World Cup
Năm 2017, Vingroup khánh thành Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF tại Hưng Yên. Khi đó, Ryan Giggs được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc PVF với tuyên bố giúp bóng đá Việt Nam dự World Cup 2030. Đến tháng 5.2019, khi Ryan Giggs trở lại Việt Nam, thời điểm FIFA có chủ trương tăng số đội dự World Cup 2026, huyền thoại của Man United cũng thêm một lần nữa khẳng định đây là cơ hội cho Việt Nam.
Điểm đáng chú ý trong công tác đào tạo trẻ của PVF là không chỉ dừng lại ở góc độ thuần chuyên môn mà nhấn mạnh cả vào văn hoá cho cầu thủ. Cái đích lớn nhất là tạo ra thế hệ cầu thủ trẻ nhiệt huyết, có đạo đức, tri thức, văn hóa với thể lực và chuyên môn đạt chuẩn thế giới.
Không chỉ dừng lại ở việc tập trung đào tạo trẻ, PVF còn thể hiện khát vọng góp phần đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới bằng những hành động cụ thể. Cuối năm 2019, Vingroup và VFF đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam có thời hạn 5 năm (2019- 2024). Cụ thể, Vingroup thông qua Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF sẽ hỗ trợ tập trung vào công tác đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu quốc tế từ năm 2019 - 2024; hướng đến mục tiêu lọt vào vòng chung kết Olympic 2024 và World Cup 2026.
Sứ mệnh dang dở
Nói đến mục tiêu World Cup, đó là câu chuyện của cả nền bóng đá chứ không phải của một câu lạc bộ hay trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Thế nhưng, PVF lại mạnh dạn đưa ra mục tiêu và tiến hành những bước đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ. Sự đầu tư mạnh mẽ của PVF đã giúp họ có được chứng nhận AFC Three-Star Academy. Đây là mức cao nhất (Premier Level) trong thang điểm đánh giá chất lượng của hệ thống đào tạo bóng đá trẻ tại Châu Á. Điều này là cơ sở để nhiều người hy vọng tương lai, PVF có thể chạm tới những mục tiêu lớn.
Thế nhưng, sứ mệnh đó đã phải dừng lại dở dang. Ngày 2.2, Tập đoàn Vingroup công bố trao tặng toàn bộ Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang bao gồm toàn bộ cơ sở vật chất đã được đầu tư hiện đại, chuyên nghiệp hàng đầu khu vực và các đội trẻ từ U.12 đến U.19. Cuộc “cho tặng” khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi về giá trị và mục đích thực sự của PVF?
Nhìn lại 12 năm hình thành và phát triển, PVF đã giành 18 chức vô địch và 9 lần giành Á quân các giải trẻ trong nước, 9 lần vô địch và 2 lần Á quân các giải trẻ quốc tế. Năm 2020, PVF vô địch đến 4 giải gồm: U.15 và U.19 Quốc gia, U.15 và U.17 Cúp Quốc gia. Bộ sưu tập thành tích ở các giải trẻ chỉ mang ý nghĩa tham khảo chứ không phải đảm bảo cho các mục tiêu, ít nhất khi đặt cạnh và so sánh với đối trọng là Hà Nội với đội hình trẻ măng do họ đào tạo nhiều năm vô địch V.League. Hay như lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cũng thường xuyên góp mặt ở các đội tuyển quốc gia. Mới đây, Viettel cũng giành chức vô địch V.League với chính lứa cầu thủ do họ “ươm mầm” suốt 10 năm qua.
Với chủ trương không xây dựng đội bóng tham dự sân chơi chuyên nghiệp cũng từng là dấu hỏi được đặt ra với PVF. Bởi điều này ảnh hưởng đến đầu ra khi các chuyên gia cho rằng, các cầu thủ được đào tạo theo “phong cách” PVF nhưng lại đến thi đấu cho nhiều đội bóng không cùng triết lý. PVF sẽ chứng minh hiệu quả đào tạo ra sao khi chưa vô địch V.League? Huấn luyện viên Park Hang-seo cũng như nhiều thầy ngoại đến Việt Nam từng nhấn mạnh, để xây dựng đội tuyển quốc gia mạnh phải có các giải chuyên nghiệp quốc gia mạnh. PVF cần hiểu điều này khi bắt tay vào đầu tư bóng đá theo hướng bền vững.
Mới đây, 20 cầu thủ trẻ PVF lứa 2001, 2002 đã tốt nghiệp và được chuyển giao cho các đội V.League và hạng Nhất. Điểm đặc biệt nhất, toàn bộ kinh phí chuyển nhượng hay cho mượn sẽ được PVF chuyển lại cho gia đình học viên. Đây là một điểm nhân văn nhưng lại được đặt dấu hỏi về cách đầu tư, cách làm bóng đá của PVF. Bởi lẽ, chi phí đào tạo mỗi học viên trong gần 10 năm từ khi được tuyển đến khi tốt nghiệp lên tới hàng chục tỉ đồng. Với những đơn vị đạo tạo bóng đá thuần tuý, chắc chắn họ phải có những tính toán cả lợi nhuận như một sự đảm bảo chất lượng cầu thủ.
Và sau gần 5 năm, thông cáo mà PVF phát đi có đoạn: “Việc thay đổi đơn vị chủ quản không ảnh hưởng đến hoạt động và định hướng phát triển của trung tâm”. Nhưng sứ mệnh “World Cup” dường như đã chấm dứt. Với bóng đá Việt Nam, đã có không ít ông bầu, doanh nghiệp đến và đi mang theo sứ mệnh cao cả giúp bóng đá Việt đến World Cup, thế rồi cũng chỉ là “lời hứa”.
ĐĂNG HUỲNH (LĐO)
https://laodong.vn/the-thao/giac-mo-dang-do-cua-pvf-876907.ldo

Có thể bạn quan tâm