Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Giấc mơ từ tre nứa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Anh Đỗ Mạnh Cương từng thực hiện 2 chuyến đi bộ xuyên Việt và xem đây là “hành trình tìm về chính mình” để tỏ tường con đường mình muốn đi và mục tiêu của cuộc đời. Quyết định trở về quê nhà thành lập tổ mây tre đan tại làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) của anh có lý do như vậy.

Tình cờ gặp Đỗ Mạnh Cương giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh khi anh dẫn một võ sư vào “tắm rừng”. “Quê hương mình rất giàu tài nguyên rừng. Tại sao mình không dựa vào rừng để làm giàu. Ví dụ như làm du lịch, đưa du khách tắm rừng, trekking, dã ngoại; hay tạo ra những sản phẩm thủ công từ nguyên liệu sẵn có để hồi sinh nghề đan lát truyền thống. Từ đó, cũng thêm trải nghiệm cho hoạt động du lịch”-anh Cương mở lòng trong cuộc chuyện trò.

Khởi đầu nan

Đỗ Mạnh Cương xác định ngay từ đầu khi thành lập tổ nghề, đó là tạo ra các sản phẩm thời trang từ mây tre thay vì vật dụng trong sinh hoạt như thường thấy.

“Nếu tạo sản phẩm truyền thống như gùi, rổ rá, đơm cá… sẽ rất khó cạnh tranh vì chúng đã quá phổ biến. Để vươn rộng ra thị trường trong nước và quốc tế càng khó. Việt Nam đã có những làng nghề mây tre đan hình thành lâu đời. Nhưng với mặt hàng thời trang từ mây tre đan thì hầu như các làng nghề của Tây Nguyên và cả Việt Nam chưa làm. Tạo ra sản phẩm mới từ đây sẽ dễ cạnh tranh hơn, bởi người bản địa Tây Nguyên đạt đến trình độ tuyệt kỹ, đậm tính văn hóa. Hai yếu tố cốt lõi này có thể giúp đưa sản phẩm thủ công với nguyên liệu tự nhiên ra thị trường quốc tế, nhất là Nhật Bản”-anh Cương chia sẻ.

Đỗ Mạnh Cương cùng cha nuôi là bok Chim thường xuyên trao đổi để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đỗ Mạnh Cương cùng cha nuôi là bok Chim thường xuyên trao đổi để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhưng tổ đan cũng gặp không ít “sóng gió” với hướng đi mới này. Để tạo được sản phẩm theo thị hiếu của khách hàng, nhất là khách quốc tế, anh Cương phải tìm kiếm mẫu mã phù hợp, sau đó chuyển cho các thành viên trong tổ tìm hiểu, vận dụng làm theo. Dẫu vậy, cũng mất 3-4 tháng, các thành viên mới hoàn thiện được những chiếc bàn trà, vali, túi xách.

Anh Si-Tổ trưởng tổ đan-cho biết: “Mình đan hư không biết bao nhiêu cái bàn trà, có lúc nản vì phải bỏ đi nhiều quá, mất công quá. Có những sản phẩm còn trải qua nhiều tranh cãi của các thành viên về cách làm sao cho đẹp. Nhưng Cương nhiệt tình muốn giúp bà con mình sinh kế từ nghề truyền thống nên ai nấy lại cố gắng. Bây giờ thì mình làm cái bàn trà nhanh hơn đan 1 chiếc gùi”.

Nhìn lại quá trình tự học để làm ra các sản phẩm mới, anh Cương đúc rút: “Người Bahnar không chỉ tài hoa mà còn rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cầu toàn. Sản phẩm làm ra phải hoàn hảo, phải đẹp và có giá trị sử dụng lâu dài. Họ thậm chí còn làm đẹp và tinh tế hơn cả sản phẩm mẫu mà tôi đưa về. Họ sẵn sàng vứt bỏ sản phẩm cho dù mất cả tháng làm ra chỉ vì một lỗi nhỏ”.

Năm 2022, anh Cương cùng anh Si mang một số sản phẩm mây tre đan như túi xách, vali, bàn trà, kẹp tóc tham gia sự kiện thành lập Làng công nghệ sinh thái (Techfest 2022) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là chuyến ra mắt đầu tiên sản phẩm thủ công của tổ đan lát. “Lần đầu tiên “chào sân” nên rất run. Nhưng sản phẩm đã thu hút sự quan tâm của khách hàng, được đánh giá cao về thẩm mỹ, chất lượng. Bây giờ, chúng tôi hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm đi giới thiệu ở bất cứ đâu, kể cả thị trường quốc tế”-anh Cương nói.

"Bây giờ, chúng tôi hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm đi giới thiệu ở bất cứ đâu, kể cả thị trường quốc tế”-anh Cương nói. Ảnh: Hoàng Ngọc

"Bây giờ, chúng tôi hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm đi giới thiệu ở bất cứ đâu, kể cả thị trường quốc tế”-anh Cương nói. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nếu năm 2022 là năm thử nghiệm các sản phẩm, mẫu mã mới từ mây, tre thì đầu năm 2023, tổ đan lát đã có những đơn hàng đầu tiên và trả đơn hàng cũ. Anh Cương cho biết, hiện nay, tổ đang làm đơn hàng 100 chiếc kẹp tóc. Còn đơn hàng bàn trà có giá trị lớn, thực hiện mất nhiều thời gian nên chỉ nhận hạn chế vì nguồn lực có hạn.

“Bản thân tôi cũng mơ lớn lắm, đó là không chỉ thành lập một tổ nghề, mà là một làng nghề hay hợp tác xã nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ. Vì ở đây có lợi thế vùng nguyên liệu có sẵn, đàn ông Bahnar lại giỏi đan lát. Trong vùng cũng có nhiều nghệ nhân tâm huyết. Nhưng tôi muốn đi chậm mà chắc. Đó là từ tổ đan lát với một nhóm các thành viên trong gia đình, giúp họ có thu nhập và duy trì việc làm lâu dài, sau đó thuyết phục thêm bà con trong làng tham gia. Có sinh kế ổn định từ nghề truyền thống mới khích lệ cộng đồng Bahnar ra sức giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của họ”-anh Cương giãi bày.

Giấc mơ từ tre nứa

Cùng với tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, anh Cương còn lên các trang bán lẻ như Amazon, eBay, Alibaba tìm cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

“Một chiếc bàn trà mini nếu bán ở Việt Nam khoảng 500-700 ngàn đồng, nhưng ra thị trường quốc tế giá gần 3 triệu đồng. Hay một cái kẹp tóc bán thị trường trong nước 60 ngàn đồng nhưng lên sàn thương mại có giá 200-300 ngàn đồng. Khách quốc tế rất kỹ tính, rất thích và trân trọng đồ handmade do các nghệ nhân hoặc thợ lành nghề của Việt Nam thực hiện. Vì vậy, tìm kiếm được thị trường cho các sản phẩm của làng nghề sẽ tăng giá trị lên rất nhiều”-anh Cương chia sẻ.

Một số sản phẩm đan. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một số sản phẩm đan. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phụ nữ Bahnar vốn không đan lát mà đó là công việc của đàn ông. Nhưng chị Chen giờ đây lại có thể đan một số món đơn giản, làm thành thạo những chiếc kẹp tóc. Chị chia sẻ: “Lúc đầu mới làm thấy khó, nan tre cứa rách cả tay. Nhưng bây giờ, mình có thể hướng dẫn lại cho người khác”.

Chị Chen kể thêm, chị từng hướng dẫn cho một nữ cán bộ Đoàn đan cái kẹp tóc hoàn chỉnh trong 30 phút và người này rất thích thú với chiếc kẹp tóc không chỉ vì giá trị sử dụng mà còn tăng thêm phần duyên dáng cho người phụ nữ.

Theo anh Cương, đây cũng là một gợi ý để mô hình đan lát này có thể trở thành điểm trải nghiệm cho du khách tham quan làng du lịch cộng đồng Đê Kjiêng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Anh cho hay: “Hàng năm, có hàng ngàn khách tham quan Vườn Quốc gia và các ngôi làng Bahnar ở vùng đệm. Du khách luôn có nhu cầu mua quà hoặc trải nghiệm các hoạt động với người địa phương. Bắt tay làm một món đồ thủ công từ tre nứa cũng là một trải nghiệm thú vị cho khách”.

Anh Đỗ Mạnh Cương (bìa trái) cùng các thành viên tổ đan lát mang sản phẩm giới thiệu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II. Ảnh: Hoàng Ngọc

Anh Đỗ Mạnh Cương (bìa trái) cùng các thành viên tổ đan lát mang sản phẩm giới thiệu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II. Ảnh: Hoàng Ngọc

Từ những chiếc nan chuốt nhẵn, dưới sự hướng dẫn của thành viên tổ nghề, sau 30 phút, du khách có thể đan xong 1 chiếc kẹp tóc. Họ vừa có thêm trải nghiệm trong chuyến đi, vừa có một món đồ thời trang mang về. Đi cùng chiếc kẹp tóc là trâm cài làm từ tre già vót nhẵn, tạo hoa văn ở phần đầu.

Anh Cương còn ấp ủ dự định đưa thổ cẩm lên các sản phẩm mây tre đan để dung hòa giữa sự cứng cáp của tre và mềm mại của thổ cẩm, đồng thời là dấu hiệu nhận diện sản phẩm thủ công từ nguyên liệu bản địa. Nhiều dự định và những ấp ủ cho giấc mơ lớn với tre nứa là thế, nhưng anh Cương cho biết hiện tại, anh ưu tiên phát triển tổ đan lát, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trước khi đi xa hơn.

Có thể bạn quan tâm