Kinh tế

Nông nghiệp

Giải "bài toán" thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã áp dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, việc kết quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều rào cản cần tháo gỡ để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững.

Nhiều rào cản

Gia Lai có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuỗi liên kết, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến nay, tỉnh đã thu hút được 327 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nhiều dự án rất thành công khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú và Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Dự án phát triển rau quả của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Dự án chăn nuôi của THAGRICO tại huyện Chư Prông và gần đây nhất là Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công xây dựng tổ hợp chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Chư Pưh.

 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) tham quan khu vực đóng gói chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) tham quan khu vực đóng gói chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy


Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) là đơn vị đầu tiên của Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Tuy nhiên, việc tiếp cận những chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và về hỗ trợ nói chung của đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô, phát triển sản xuất của doanh nghiệp trong những năm qua. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty-cho hay: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô, phát triển thêm công nghệ mới phục vụ sản xuất. Quỹ đất của Công ty rất eo hẹp, không thể mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường; giá trị tài sản, công nghệ tuy lớn nhưng cũng không thể thế chấp để vay vốn được. Ngoài ra, Công ty cũng chưa thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao do vướng hồ sơ, thủ tục”.

Là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và dẫn đầu ngành cà phê của tỉnh, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã liên kết với 10.000 hộ dân sản xuất khoảng 40 ngàn ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Organic. Bình quân mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 100 ngàn tấn sản phẩm, chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty: Trở ngại lớn nhất hiện nay là việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Phần lớn người dân vẫn còn duy trì một số tập quán canh tác lạc hậu khiến việc liên kết, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Còn ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) thì cho biết: Qua hơn 1 năm triển khai dự án, Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất chuối tiêu hồng lên trên 600 ha, trong đó có 200 ha liên kết với người dân. Đồng thời, đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; xây dựng chuỗi sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của đối tác. “Hiện có nhiều đối tác ở Trung Đông, châu Âu liên hệ đặt hàng với số lượng lớn nhưng chúng tôi chưa có vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng”-ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Tìm ra đúng nguyên nhân và có các giải pháp tháo gỡ sẽ là chìa khóa để khơi thông nguồn lực trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững. Từ đó, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhất là các sản phẩm chủ lực có lợi thế về thị trường; tập trung tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao… Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Chủ tịch Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì cần quy hoạch vùng nguyên liệu đủ lớn để tạo ra nguồn hàng xuất đi các nước hoặc xây dựng các nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu. “Do đó, tỉnh cần phải quy hoạch phát triển nông nghiệp bài bản cũng như có chính sách về đất đai để tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào phát triển”-ông Nguyễn Quang Anh hiến kế.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (thứ 4 từ phải sang) nêu những khó khăn mà Công ty đang gặp phải. Ảnh: Quang Tấn
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (thứ 4 từ phải sang) nêu những khó khăn mà Công ty đang gặp phải. Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu tại chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành khẳng định: “Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bằng việc cải cách hành chính, minh bạch về các chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì cho rằng: Hạn chế về nhận thức, trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số trên địa bàn là trở ngại không nhỏ trong việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân, chúng tôi tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề khu vực nông thôn, giúp người dân từng bước làm chủ quy trình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, huyện tập trung làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp, hình thành các tiểu vùng, vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi cũng như tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ, thủ tục cho các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Trên cơ sở Luật Công nghệ cao và các quy định của trung ương, Sở sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh định dạng và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách đồng bộ, hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT để tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là những chính sách ưu đãi về tiền thuê đất; nhập khẩu các thiết bị máy móc, công nghệ trong danh mục theo quy định thì được miễn giảm thuế; miễn giảm thuế suất khi thương mại hóa các sản phẩm từ nông nghiệp công nghệ cao… “Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất với Chính phủ ban hành những quy định, chính sách tín dụng cụ thể trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm, bố trí nhân lực đủ năng lực tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định để được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước”-ông Nghĩa thông tin.

Phát biểu tại buổi giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới. Do đó, chúng ta cần định hình, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo một hình thái mới, hiện đại hơn, bền vững hơn. Trong đó, cần tập trung quy hoạch lại ngành nông-lâm nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất hàng năm, định kỳ, phân kỳ. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, các ngành phải đánh giá lại toàn bộ cơ chế, chính sách hiện nay của trung ương, tỉnh, từ đó có những kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

 QUANG TẤN 

Có thể bạn quan tâm