Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Giải đáp chuyện thầm kín, khó nói của tuổi mới lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những vấn đề liên quan đến giới tính ở tuổi mới lớn thường các em ngại chia sẻ, trong khi tiếp cận thông tin trên internet nếu không chọn lọc dễ dẫn đến lệch hướng trong nhận thức và có các hành vi ứng xử không phù hợp…
Chính từ những thực tế này, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gồm Nguyễn Minh Trí, Vũ Nguyễn Thủy Tiên đã cho ra đời ứng dụng hỗ trợ giáo dục giới tính (GDGT) dành cho học sinh (HS) THCS.
Mới đây, ứng dụng này đã xuất sắc giành giải nhất lĩnh vực giáo dục của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2021 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Và ứng dụng đang trong top 50 dự án khối sinh viên của vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Học sinh trải nghiệm ứng dụng
Học sinh trải nghiệm ứng dụng
Tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi
Chia sẻ lý do nghiên cứu và sáng chế ứng dụng GDGT, Trí cho biết HS THCS là lứa tuổi có rất nhiều biến động về tâm sinh lý. Sự phát dục làm cho thiếu niên xuất hiện những rung cảm giới tính mới lạ, khiến các em quan tâm nhiều hơn đến người khác giới… Chính vì vậy, GDGT ở HS là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên phải làm thế nào để các em có thể tìm kiếm được thông tin về giới tính một cách khoa học nhưng vẫn đảm bảo được tính hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn, cũng như thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi và được cung cấp những thông điệp giáo dục rõ ràng.
Ứng dụng về giáo dục giới tính ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ thai nghén trong vài năm trở lại đây. Trong đó đa phần là những kiến thức rất nhỏ được lồng vào trong các ứng dụng khác như ứng dụng về kỹ năng, báo chí, sách điện tử…
Nguyễn Minh Trí, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng tác giả ứng dụng SAS
“Thông qua trải nghiệm thực tế của bản thân, chúng mình thấy ứng dụng về GDGT ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ thai nghén trong vài năm trở lại đây. Trong đó đa phần là những kiến thức rất nhỏ được lồng vào trong các ứng dụng khác như ứng dụng về kỹ năng, báo chí, sách điện tử… Vì vậy, việc tìm kiếm một ứng dụng GDGT chuyên sâu từng nội dung, phù hợp với HS ở Việt Nam là vô cùng khó khăn”, Trí chia sẻ và cho biết ý tưởng xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ GDGT cho HS THCS được ra đời với sản phẩm mang tên SAS.

Trí và Tiên nhận giải nhất tại cuộc thi. Ảnh: NVCC
Trí và Tiên nhận giải nhất tại cuộc thi. Ảnh: NVCC
Vừa chơi, vừa tìm hiểu những chuyện thầm kín
SAS hoạt động trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android, gồm có 3 phần chính là thư viện, luyện tập và hỗ trợ.
Ở phần thư viện đầu tiên sẽ có 4 lựa chọn tương ứng với 4 khối lớp THCS, tùy mỗi lớp và chủ đề sẽ hiện ra những nội dung, bài học hoặc video, clip phù hợp. Các chủ đề cơ bản của thư viện như phần “e thẹn” trên cơ thể là gì, bạn có biết em bé đến từ đâu không, bạn biết gì về chuyện “ấy”, tránh thai - điều bạn cần biết, “cô/cậu bé” có thể mắc bệnh không, bảy sắc cầu vồng - LGBT…
“Kết thúc mỗi mục là thông điệp giáo dục có liên quan đến nội dung vừa tìm hiểu, nhằm hỗ trợ định hướng cho HS có nhận thức, thái độ và hành vi về giới tính một cách phù hợp”, Trí nhấn mạnh.
Phần luyện tập là một trò chơi giúp ôn tập kiến thức đã được tìm hiểu trong phần thư viện. “Người chơi sẽ được dẫn dắt theo cốt truyện của trò chơi, có bản đồ hành trình giải cứu với 20 thử thách, mỗi thử thách gồm 4 câu hỏi, trả lời đúng 4 câu hỏi sẽ đến thử thách kế tiếp, độ khó của câu hỏi cũng sẽ tăng dần”, Trí mô tả về phần trò chơi hỗ trợ GDGT.
Nếu người dùng còn những thắc mắc chưa được giải đáp, có thể đến với mục hỗ trợ của ứng dụng. Mục này sẽ liên kết đến những thông tin như số điện thoại, địa chỉ, trang web… mang đến sự hỗ trợ uy tín và miễn phí cho HS.
Vì là sinh viên nên nhóm cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, nhưng nhận được sự định hướng và hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn, các thầy cô và anh chị khóa trên trong Khoa Tâm lý học, Trí và Tiên đã nhanh chóng hoàn thành đề tài.
“Tuy mới bắt đầu tham gia nghiên cứu nhưng tụi mình rất say mê và không ngại khó khăn. Nhiều khi học hai buổi sáng chiều thì tụi mình dành thời gian buổi trưa lên thư viện tìm tài liệu. Hiện nhóm mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các nhà đầu tư để ứng dụng SAS nhanh chóng hoàn thiện và có thể giúp ích được nhiều HS hơn nữa”, Trí nói.
Có tính mới và ứng dụng rất cao
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thành viên Ban giám khảo giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2021, đánh giá cao ứng dụng hỗ trợ GDGT SAS. “Trong các đề tài nghiên cứu thì đây là đề tài có tính mới và ứng dụng rất cao. Thường mọi người viết phần mềm sẽ ứng dụng trực tiếp vào những môn học như là tiếng Anh, toán, hóa… thì đề tài nghiên cứu này lại chọn một hướng tiếp cận mang tính “góc hẻm”, là chủ đề ít người nói và đang rất ít kênh tiếp cận, nên ứng dụng ra đời rất hữu ích và ý nghĩa. Bản thân tôi cũng có con gái nhỏ, nếu con đến tuổi vị thành niên thì đây sẽ là ứng dụng mà tôi lựa chọn để cho con tự tìm hiểu về các vấn đề giới tính”, tiến sĩ Lộc nhìn nhận.
Theo Nữ Vương (TNO)

Có thể bạn quan tâm