Thể thao

Thể thao cộng đồng

Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020: Hướng đến vòng loại Olympic Tokyo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi V-League 2020 hạ màn cũng là lúc các VĐV điền kinh được chờ đợi sẽ tỏa sáng sau một năm không thể thi đấu vì dịch bệnh.

Các VĐV tập luyện tại SVĐ Mỹ Đình để chuẩn bị cho giải - Ảnh: NAM KHÁNH
Các VĐV tập luyện tại SVĐ Mỹ Đình để chuẩn bị cho giải - Ảnh: NAM KHÁNH


Diễn ra từ ngày 10 đến 15-11 trên sân Mỹ Đình với sự tham dự của 458 VĐV (276 nam, 182 nữ), Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 là giải đấu quan trọng nhất của điền kinh VN. Vì vậy, giải quy tụ tất cả những VĐV xuất sắc nhất của điền kinh VN như: Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang), Lê Tú Chinh (TP.HCM), Trần Nhật Hoàng (Khánh Hòa)…

Cơ hội kiểm tra chất lượng đường chạy sân Mỹ Đình

Suốt 4 tuần qua, hàng trăm VĐV đã tề tựu về SVĐ Mỹ Đình để tập luyện, làm quen với đường chạy. Kể từ năm 2012, đây là lần đầu tiên giải được tổ chức trên SVĐ Mỹ Đình. Sau khi dự án cải tạo và sửa chữa đường chạy SVĐ Mỹ Đình được hoàn thiện vào đầu năm 2020, giải là cơ hội để cho VĐV thể hiện tài năng đồng thời kiểm tra chất lượng của mặt sân mới.

Ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) - cho biết năm nay dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả. Từ đầu năm đến nay, các VĐV đội tuyển không được dự giải đấu quốc tế nào để kiểm tra trình độ. Với VĐV ở các địa phương, chỉ một số được tham dự giải điền kinh Cúp tốc độ TP.HCM, Giải điền kinh TP.HCM mở rộng hoặc Giải việt dã toàn quốc.

Phải đến giải này thì tất cả các VĐV mới được tham dự đầy đủ. Đây là cuộc thi quan trọng để kiểm tra, đánh giá phong độ của tất cả các VĐV, nhất là với các VĐV đội tuyển. Dù vậy, theo ông Thủy, do việc tập luyện đứt quãng vì dịch, sân tập ở một số địa phương không tốt nên các VĐV không dám bung sức tập luyện do sợ chấn thương. Đó cũng là lý do khiến thành tích tại giải được dự báo khó có thể cao được.

Tìm cơ hội đến Olympic Tokyo

Hiện điền kinh VN vẫn chưa có bất cứ VĐV nào vượt qua vòng loại để có mặt tại Olympic Tokyo 2021 vì các giải điền kinh ở châu Á đã "đóng băng" từ đầu năm 2020. Do đó đến lúc này, kế hoạch tham dự các giải vòng loại Olympic của điền kinh VN vẫn chưa có.

Tuy nhiên, thành tích tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020 sẽ là cơ sở để ban huấn luyện đội tuyển xem xét lựa chọn đội hình các VĐV tham dự cuộc thi vòng loại Olympic vào năm sau. Do thành tích ở các nội dung cá nhân của các VĐV điền kinh hàng đầu VN còn khá xa so với chuẩn Olympic, nên niềm hi vọng lớn nhất chính là nội dung tiếp sức hỗn hợp 4 x 400m. Tại SEA Games 2019, bốn VĐV Nguyễn Thị Hằng, Quách Thị Lan, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn đã giành HCV với thành tích 3 phút 19 giây 50.

Ông Dương Đức Thủy cho biết theo quy định, 16 đội mạnh nhất thế giới sẽ có cơ hội góp mặt tại Olympic Tokyo 2021 ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4 x 400m. Hiện đội tuyển VN đang đứng trong top 17 và là nội dung có nhiều cơ hội nhất đến Olympic. Vì ở nội dung này đội tuyển điền kinh VN có rất nhiều VĐV xuất sắc nên thành tích của các VĐV tại Giải vô địch quốc gia cũng sẽ được xem xét để tuyển chọn đội hình 4 x 400m tiếp sức hỗn hợp tham dự vòng loại Olympic vào đầu năm 2021.

 


Không nên vắt sức các ngôi sao

Do thành tích tại giải quốc gia là cơ sở để đánh giá kết quả một năm của thể thao địa phương nên nhiều năm qua, việc các VĐV trọng điểm dù được đầu tư để tranh tài quốc tế nhưng đến giải vô địch quốc gia lại được địa phương đăng ký thi đấu quá nhiều nội dung, dẫn đến mâu thuẫn giữa địa phương và đội tuyển.

Cụ thể nếu đội tuyển quốc gia muốn các VĐV thi đấu ít, nâng cao thành tích ở các nội dung sở trường thì các địa phương lại muốn đăng ký cho VĐV thi đấu nhiều nội dung để giành nhiều huy chương. Theo danh sách đăng ký thi đấu tại giải lần này, các VĐV trọng điểm được đăng ký thi đấu rất nhiều nội dung như: Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) với 1.500m, 5.000m, 10.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật. Lê Tú Chinh (TP.HCM) chạy 100m, 200m, các nội dung tiếp sức...

Một HLV đội tuyển chia sẻ: "Cứ đến giải chúng tôi lại rất lo, nếu được chọn thì chúng tôi không cho các em thi nhiều bởi thành tích không cao và nguy cơ chấn thương. Nhưng do địa phương cũng đầu tư và cần nhiều huy chương để báo cáo nên không cho VĐV thi đấu nhiều thì chúng tôi cũng rất... khổ".


Theo KHƯƠNG XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm