Thời sự - Sự kiện

Giai đoạn 2021-2023, hơn 42.000 lao động được tư vấn giới thiệu việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 17-5, tại Trường Cao đẳng Gia Lai, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh hàng năm về số lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trường Cao đẳng Gia Lai, giai đoạn 2021-2023.

Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn còn có các thành viên của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo với đoàn giám sát, thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Nhà trường tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy; tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, giải quyết việc làm. Kết quả, trường đã đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề được 8.042/9.415 học sinh sinh viên, đạt 85% so với kế hoạch. Ngoài ra, nhà trường cũng đào tạo nghề thường xuyên, lao động nông thôn cho 3.565 người theo các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đơn đặt hàng của các địa phương. Sau chương trình đào tạo, từ năm 2021-2023, nhà trường đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho 6.473 học sinh, sinh viên, trong đó 452 người tốt nghiệp cao đẳng, 812 người tốt nghiệp trung cấp, 1.644 người tốt nghiệp sơ cấp.

Ngoài ra, nhà trường còn chủ động thực hiện nhiệm vụ giúp học sinh, sinh viên tham gia 35 phiên giao dịch tư vấn việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức; phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tiếp, gửi thông tin tuyển sinh…, giúp hơn 1.500 học sinh, người lao động tìm được việc làm. Cùng với đó, nhà trường tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm, phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình liên kết đào tạo còn bất cập như giáo viên, người lao động làm thêm giờ không được thanh toán. Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo chính quy các cấp trình độ nghề nên việc ký kết hợp đồng với địa phương đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ làm thêm, nếu khó khăn về quy trình, thủ tục, nhà trường không hợp đồng với địa phương.

Cũng tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Hương-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Giai đoạn 2021-2023, Trung tâm đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 42.000 lao động, trong đó có 6.939 lao động đăng ký tìm việc làm; có 3.172 lao động tìm được việc làm, 34.656 lao động do người sử dụng lao động đề nghị tuyển dụng. Có được kết quả này là dưới sự chỉ đạo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tuyển dụng trực tiếp, qua điện thoại, email. Cùng với đó, Trung tâm tích cực thực hiện thu thập thông tin người tìm việc để làm căn cứ kết nối với chủ sử dụng lao động tạo việc làm cho người lao động. Trung tâm luôn duy trì ổn định hoạt động cổng thông tin điện tử www.vieclamgialai.vn; thường xuyên cập nhật thông tin mới, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tìm việc làm của người lao động đáp ứng yêu cầu tìm kiếm thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng phạm vi hoạt động, hiệu quả của 2 văn phòng tại cụm huyện Chư Sê và thị xã Ayun Pa.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức phiên giao dịch việc làm hạn chế. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là vừa và nhỏ, dù nhu cầu tuyển dụng thường xuyên nhưng số lượng vị trí việc làm trống không nhiều, công việc và mức lương chưa hấp dẫn. Công tác phân tích dự báo cung-cầu lao động còn mang tính nội bộ của Trung tâm nên chưa phản ánh hết tình hình thị trường cung-cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động sàn giao dịch việc làm tỉnh quá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của sàn.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, bà Võ Thị Bảo Ngân đề nghị 2 đơn vị hoàn thiện lại báo cáo để thống nhất số liệu về chỉ tiêu lao động được đào tạo, lao động được tạo việc làm hàng năm làm kết quả phân tích, dự báo về nguồn nhân lực của địa phương; những khó khăn, tồn tại của 2 đơn vị, đoàn ghi nhận và có những đề xuất thời gian tới. 2 đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm trong tỉnh.

Có thể bạn quan tâm