Thể thao

Giải đua thuyền máy F1 sắp tổ chức ở Bình Định sẽ thi đấu thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 10.3, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Công ty CP Bình Định F1 (đơn vị tài trợ và phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức giải đua) đã có những chia sẻ về thể thức thi đấu của giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1.

Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 là giải đua thuyền cao tốc cấp độ cao nhất trên thế giới và do đó, nó có chung danh hiệu F1, tương tự như giải đua xe F1. Giải đấu do Liên đoàn Thuyền máy quốc tế (Union Internationale Motonautique - UIM) tổ chức và được H2O Racing quảng bá, nên thường được gọi tắt là F1H2O.

Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 hứa hẹn sẽ diễn ra đầy kịch tính. Ảnh BAN TỔ CHỨC

Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 hứa hẹn sẽ diễn ra đầy kịch tính. Ảnh BAN TỔ CHỨC

Cũng giống như đua xe công thức 1, UIM F1H2O sẽ thi đấu từ 6 – 8 chặng Grand Prix với khoảng 10 đội đua đến từ các nước, mỗi đội sẽ gồm 2 thành viên. Mỗi chặng Grand Prix sẽ diễn ra ở các khu vực châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Các chặng sẽ có 3 ngày thi đấu, trong ngày đầu tiên sẽ thi đấu giành Pole (hay còn gọi là giành vị trí xuất phát), ngày thứ 2 là đua nước rút tính điểm (Sprint Race), và ngày cuối cùng là thi đấu tìm ra quán quân chặng đua.

Cuộc đua tốc độ đầy hấp dẫn của các vận động viên. Ảnh BAN TỔ CHỨC

Cuộc đua tốc độ đầy hấp dẫn của các vận động viên. Ảnh BAN TỔ CHỨC

Đây được xem là một trong những giải đua trên nước hấp dẫn nhất với sự kết hợp giữa tốc độ, mạo hiểm và luật chơi cạnh tranh. Mỗi cuộc đua chính thức thường kéo dài khoảng 45 phút. Mỗi lap (vòng đua) có độ dài hơn 2.000 m.

Đáng nói, những chiếc thuyền máy có tổng trọng lượng lên tới 400 kg sẽ cạnh tranh khốc liệt với vận tốc có thể lên tới 250 km/giờ. Không chỉ lôi cuốn bởi những pha bứt tốc, bám cua trên từng mét nước, mà những pha va chạm cũng làm nên sức hút riêng cho F1H2O.

Về luật chơi, cuộc đua được chia ra làm 3 ngày. Ngày 1 đua phân hạng, ngày 2 đua nước rút và ngày 3 đua quyết định. Thành tích mỗi ngày đấu có tác động trực tiếp tới kết quả chung cuộc.

Trong quá trình đua, sẽ có nhiều rủi ro, tai nạn như lật thuyền, chìm thuyền, máy móc hư hỏng, thậm chí là các thuyền có thể xảy ra va chạm với nhau. Vì vậy, sẽ có tín hiệu cờ vàng nếu có một trong các tình huống đó xảy ra để đội cứu hộ ra kéo thuyền về. Trong tình huống đó, các vận động viên có thể phải bỏ ngày thi đấu.

Giải đấu UIM F1H2O dự kiến tổ chức từ ngày 29.3 – 31.3, tại đầm Thị Nại, TP.Quy Nhơn (Bình Định).

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia là 2 nước đứng ra đăng cai 1 chặng đua tại F1H2O. Tuy nhiên chỉ có Việt Nam mới sở hữu đội đua riêng do Công ty Fleur de Lys Hospitality là đơn vị tài trợ đội đua, cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định.

Chi phí tổ chức giải đấu là rất lớn, tính riêng 1 chiếc thuyền máy vào khoảng 18 tỉ đồng, mỗi đội cần ít nhất 3 thuyền/mùa. Vì vậy môn thể thao này thường phổ biến ở những quốc gia giàu có như Italia, Thụy Điển, Qatar và đặc biệt là UAE (có 3 đội đua mùa giải 2024).

Có thể bạn quan tâm