Sống trẻ - Sống đẹp

Giai Lai: Tuổi trẻ xung kích, đổi mới, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đoàn Thanh niên là đội hậu bị của Đảng, là rường cột của nước nhà. Vì thế, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức là yêu cầu, nhiệm vụ bức thiết đối với các tổ chức cơ sở Đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.
“ĐÂU CẦN THANH NIÊN CÓ”
“Bám sát chủ đề, thực hiện đầy đủ các chương trình, phong trào của Đoàn nhưng phải đổi mới, cụ thể hóa sao cho phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của địa phương, đồng thời phải phù hợp với khả năng, thúc đẩy sự sáng tạo của thanh niên”-đó là chia sẻ của Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo khi nói về việc triển khai các chương trình, phong trào Đoàn hàng năm.
Trên tinh thần đó, các tổ chức Đoàn đã linh hoạt, cụ thể hóa các chương trình, hoạt động một cách thiết thực. Ngay sau khi TP. Pleiku vừa được công nhận là đô thị loại I, từ sự linh hoạt, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trên các tuyến đường đã xuất hiện nhiều mô hình mới mẻ, độc đáo, góp phần xây dựng thành phố thêm xanh-sạch-đẹp-văn minh. Điển hình, “Ngã tư văn minh-an toàn” là mô hình tuyên truyền mới của Đoàn phường Yên Đổ. Tại các ngã tư, Đoàn phường đặt hình ảnh cán bộ Đoàn mặc áo xanh tình nguyện, đầu đội mũ tai bèo làm bằng chất liệu formex và sắt lắp cố định ngay chân góc đèn tín hiệu giao thông. Hình ảnh trực quan này mang khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông: “Có văn hóa giao thông là sống vì cộng đồng”. Anh Thịnh Thương Tín-Bí thư Đoàn phường Yên Đổ-chia sẻ: Thực tế cho thấy, nhiều người không chấp hành Luật Giao thông Đường bộ nên đã gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Khi dừng đèn đỏ và nhìn thấy hình ảnh này tại các ngã tư cùng khẩu hiệu tuyên truyền, người tham gia giao thông sẽ có ý thức chấp hành luật tốt hơn.
 Đoàn viên, thanh niên thị trấn Đak Đoa sửa chữa nhà rông làng Piơm. Ảnh: P.L
Đoàn viên, thanh niên thị trấn Đak Đoa sửa chữa nhà rông làng Piơm. Ảnh: P.L
Từ mô hình sáng tạo của Đoàn phường Yên Đổ, các Đoàn phường: Hoa Lư, Thống Nhất, Phù Đổng, Tây Sơn, Hội Thương đã học tập và triển khai tại các ngã tư trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Văn Nghĩa (tổ 3, phường Tây Sơn) nhận xét: “Những khẩu hiệu tuyên truyền ở các hình ảnh này tuy ngắn gọn nhưng mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Mong rằng nhiều người khi tiếp cận sẽ có sự thay đổi về ý thức khi tham gia giao thông”.
Chung tay xây dựng đô thị ngày càng xanh-sạch-đẹp, tuổi trẻ xã Chư Á (TP. Pleiku) đã sáng tạo ra mô hình “Thùng rác bảo vệ môi trường”. Theo đó, Đoàn xã đã trích kinh phí mua 70 thùng sơn cũ; mua sắt để hàn thành các khung, huy động ĐVTN sơn mới các thùng, sau đó tiến hành lắp đặt dưới chân 35 trụ điện đường Lê Duẩn (đoạn qua xã Chư Á). Anh Trương Quang Hiếu-Bí thư Đoàn xã Chư Á-cho biết: “Trước đây, người dân thường bỏ rác sinh hoạt trước cửa nhà đợi xe rác tới thu gom, nhiều người qua đường tiện tay vứt thêm khiến rác vương vãi khắp nơi. Chúng tôi đặt các thùng rác này với hy vọng người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh tốt hơn, bỏ rác đúng nơi quy định”.
Đoàn xã Chư Á (TP.Pleiku) lắp đặt các thùng rác bảo vệ môi trường. Ảnh: P.L
Đoàn xã Chư Á (TP.Pleiku) lắp đặt các thùng rác bảo vệ môi trường. Ảnh: P.L
Mới đây, nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống, Đoàn thị trấn Đak Đoa đã lên ý tưởng sửa chữa, khôi phục nhà rông làng Piơm. Được sự ủng hộ của Trưởng thôn, đơn vị đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân đóng góp vật liệu xây dựng, ĐVTN đóng góp ngày công để sửa chữa. Giữa cái nắng gay gắt tháng 3 nhưng các ĐVTN vẫn chăm chỉ sửa lại từng bậc cầu thang, từng cánh cửa bị hư hỏng. Anh Trần Văn Chương-Bí thư Đoàn thị trấn Đak Đoa-hồ hởi chia sẻ: “Công trình dự kiến bàn giao cho làng vào ngày 27-3. Qua công trình này, chúng tôi mong muốn bà con hãy cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: Năm 2019, Tỉnh Đoàn Gia Lai là một trong 37 đơn vị được tặng cờ thi đua xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; đứng thứ 12/67 Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn và các tổ chức Đoàn trực thuộc. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh xác định tiếp tục sáng tạo, đổi mới để đưa phong trào Đoàn toàn tỉnh ngày càng đi lên.
 
ĐỒNG HÀNH TRONG LẬP THÂN, LẬP NGHIỆP
Ngoài những hoạt động tình nguyện đầy nhiệt huyết, tuổi trẻ tỉnh nhà còn để lại ấn tượng với những việc làm trách nhiệm và nghĩa tình, nhất là đồng hành với thanh niên trong học tập, lập thân, lập nghiệp.
Để giúp thanh niên phát triển kinh tế, các cơ sở Đoàn đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn thành lập các hợp tác xã thanh niên; tư vấn, giới thiệu việc làm… Điểm mới trong công tác này là Tỉnh Đoàn đã chú trọng đưa chương trình hướng nghiệp, tư vấn đến đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; ngoài ra còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và kết nối với Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tư vấn, tìm kiếm việc làm cho thanh niên. Qua đó, hàng trăm ĐVTN là người dân tộc thiểu số tìm được việc làm trên địa bàn tỉnh và có hơn 60 lao động đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Người dân tham gia chương trình Tháng ba biên giới do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức đều được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn để phòng-chống dịch bệnh Covid 19. Ảnh: P.L
Người dân tham gia chương trình Tháng ba biên giới do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức đều được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn để phòng-chống dịch bệnh Covid 19. Ảnh: P.L
Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn-Hội cũng quan tâm hỗ trợ sinh kế cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn. Nhân Tháng Thanh niên năm 2020, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức chương trình “Tháng ba biên giới” tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông). Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số lượng ĐVTN tham gia không đông như mọi năm nhưng chương trình cũng đã trao nhiều phần quà ý nghĩa đến ĐVTN khó khăn trong xã. Ngoài 15 suất quà (300.000 đồng/suất) cho gia đình thanh niên dân tộc thiểu số khó khăn, chương trình còn trao tặng các mô hình sinh kế gồm: 1 cặp dê giống trị giá 6 triệu đồng, 100 cây mít Thái trị giá 5 triệu đồng, 100 con gà lai trị giá 3 triệu đồng. Xúc động khi được giúp đỡ, chị Rơ Lan Bêk (làng Krông) bộc bạch: “Mình bị khuyết tật nên gia cảnh gặp khó khăn. Được tặng cặp dê giống để phát triển kinh tế, mình cảm ơn nhiều lắm. Mình sẽ cố gắng chăm sóc để dê sinh triển tốt”. Chưa kể, hàng năm, tuổi trẻ tỉnh nhà còn đảm nhận hàng ngàn công trình, phần việc thanh niên như: tuyến đường “Thắp sáng đường quê”, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, cầu dân sinh, nhà nhân ái, trồng cây xanh... 
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm