Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Giải mã cuộc tập trận "bất thường" của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đang đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương khiến giới chuyên gia quốc tế quan tâm.

 Hải quân Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters
Hải quân Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters



Cụ thể, tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày 17.2 đưa tin hải quân Trung Quốc (PLAN) vừa tổ chức diễn tập phòng không tại Thái Bình Dương, nhưng không nêu rõ địa điểm. Cuộc tập trận không chỉ quy tụ tàu khu trục lớp 052D trang bị tên lửa dẫn đường, tàu hộ tống tối tân lớp 054A mà còn có cả tàu trinh sát điện tử, tàu tiếp dầu.

Tăng sức chiến đấu ngoài chuỗi đảo thứ nhất



 


“Răn đe” các nước láng giềng

Việc tập trận thường xuyên của PLAN là sự răn đe mà Bắc Kinh muốn gửi đến các nước láng giềng rằng Trung Quốc có nhiều công cụ để áp đặt theo ý riêng. Lâu nay, Trung Quốc vẫn tập trung vào những cách thức phi quân sự, nhưng cuộc tập trận cũng là dấu hiệu cho thấy sự tập trung có thể chuyển hướng sang hình thức sử dụng quân sự. Chính vì thế, các nước láng giềng của Trung Quốc cần nhận thức rõ sự quan trọng của việc cũng phải tăng cường thực lực chống phong tỏa, chống tiếp cận trên biển.


 

TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)




Trả lời Thanh Niên, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng cuộc tập trận là động thái rất đáng quan tâm.

“Những năm qua, PLAN thường xuyên tập trận ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở phía đông chuỗi đảo thứ nhất (bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở đảo Borneo/Kalimantan và phần phía bắc của Philippines - NV). Gần đây, các lực lượng tác chiến trên không và trên biển của PLAN đã thể hiện khả năng hoạt động vượt qua chuỗi đảo thứ nhất khi điều động phương tiện đi qua eo biển Miyako, eo biển Đài Loan”, TS Collin Koh nói.

Tuy nhiên, theo ông, các học giả và chiến lược gia Trung Quốc cho rằng hải quân Mỹ vẫn chiếm nhiều ưu thế ở khu vực tây Thái Bình Dương, nên PLAN vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để có thể hoạt động ổn định, lâu dài ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Vì thế, thời gian gần đây, PLAN tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường sức chiến đấu ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

Để thực hiện điều đó, trong cuộc tập trận trên, PLAN tăng cường tích hợp nhiều lực lượng. Bước thứ nhất là tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công công nghệ cao từ Mỹ, có thể là chống lại các hình thức gây nhiễu điện từ. Trong tương lai, PLAN sẽ bổ sung các hoạt động tấn công chiến thuật khi tập trận. Xa hơn nữa, việc tập huấn tác chiến ở khu vực này có thể quy tụ cả tàu sân bay chứ không chỉ giới hạn lực lượng như đội tàu trên.

Tương tự, trả lời Thanh Niên, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Cuộc tập trận của PLAN nhằm khẳng định với Mỹ cùng các đồng minh rằng Trung Quốc có khả năng tác chiến bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, để hoạt động mạnh mẽ ở tây Thái Bình Dương”.

Lâu nay, Washington cùng các đồng minh cũng tổ chức tập trận ở khu vực này nhằm thể hiện đủ sức đánh bại Bắc Kinh tại đây. Ngay trước cuộc tập trên của Trung Quốc, Mỹ - Nhật cũng tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ bên bờ Thái Bình Dương. Đó cũng là thông điệp rằng Mỹ và Nhật Bản đủ sức bảo vệ các đảo mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, hay tiến hành đổ bộ tái chiếm.

Chiến lược lâu dài

Ngày 20.2, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhìn nhận: Cuộc tập trận mới đây nói riêng hay những cuộc tập trận thời gian qua nói chung của Trung Quốc đều nhằm củng cố mục tiêu lâu dài là đẩy mạnh sự hiện diện trong khu vực.

Ông Nagy giải thích thêm rằng: Mục tiêu dài hạn này được xây dựng từ thập niên 1950 bởi tướng Lưu Hoa Thanh (1916 - 2011, từng giữ vị trí tư lệnh PLAN và được xem là “cha đẻ” của hải quân Trung Quốc thời hiện đại - NV). Chiến lược này nhằm hướng đến việc Bắc Kinh thống trị vùng biển tây Thái Bình Dương. Và chiến lược này nhấn mạnh sự kiểm soát cả chuỗi đảo thứ nhất lẫn chuỗi đảo thứ hai (chuỗi đảo thứ hai thường được hiểu là từ quần đảo Ogasawara và quần đảo Volcano của Nhật Bản đến quần đảo Mariana thuộc Mỹ - NV). Sự kiểm soát đó nhằm đảm bảo ngoại vi Trung Quốc khỏi sự phong tỏa.

“Cuộc tập trận mà tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày 17.2 đưa tin cũng không nằm ngoài mục đích trên. Nhưng thực tế thì quy mô tập trận chưa đủ để chứng minh cho năng lực đủ sức thay đổi cán cân quân sự ở vùng biển tây Thái Bình Dương. Bởi Mỹ vẫn có một vị thế áp đảo tại đây, đồng thời có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở vùng này”, chuyên gia Nagy nói.

Đánh giá thêm về thực lực, PGS Nagy cho rằng: “Nhìn lại thì lợi thế của Trung Quốc hiện tại là ngoại vi trực tiếp, tức các vùng biển lân cận mà Bắc Kinh đã triển khai vũ khí, tên lửa cùng khí tài chống tiếp cận, nhằm đảm bảo hải quân Mỹ không đến quá gần. Trong tương lai, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục điều động hạm đội ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, nhưng thực lực chủ yếu vẫn dựa vào phương tiện chống tiếp cận như vũ khí không gian, máy bay không người lái, tên lửa...”.

 

Theo Ngô Minh Trí (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm