Trong những ngày hanh khô giá lạnh, nhiều tài xế e ngại khi chạm vào cửa xe ôtô do bị giật điện tanh tách. Đây chính là hiện tượng tĩnh điện và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ảnh minh họa: Internet |
Anh Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1988) cho biết: “Mỗi khi trời se lạnh hoặc sáng sớm, tôi rất hay bị giật tê tay khi chạm vào cửa xe, đồng thời còn có tiếng kêu tanh tách rất lạnh người. Không chỉ riêng tôi, mà một số người thân trong gia đình cũng có cảm giác tương tự khi mở cửa xe”.
Theo các chuyên gia kỹ thuật ôtô, hiện tượng các bác tài bị giật tê tay khi chạm vào thân xe là do mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật liệu, hay còn gọi là hiện tượng tĩnh điện. Khi hai vật liệu tiếp xúc nhau, điện tích sẽ chuyển từ vật này sang vật kia, dẫn tới sự dư thừa điện tích dương trên một vật, và thừa điện tích âm ở vật còn lại.
Thực tế, không chỉ khi các bác tài đang lái xe mới gặp hiện tượng này mà trong sinh hoạt hằng ngày, mỗi người đều có thể cảm nhận sự mất cân bằng điện tích khi mặc quần áo, chải đầu bằng lược nhựa, hoặc đắp chăn nỉ trong thời thiết giá lạnh.
Tương tự, mỗi khi chúng ta cởi bỏ mũ, cởi áo len hay áo khoác ra là lông tóc bỗng dưng lại dựng đứng lên, đặc biệt vào mùa đông. Nguyên nhân là do độ ẩm của tóc bị mất đi trong điều kiện khô hanh, sẽ khiến cho tóc dễ sinh ra tĩnh điện, hoặc ma sát với lược chải, quần áo len,...
Theo giải thích khoa học, cơ thể con người còn là một bộ máy điện hóa rất đặc biệt nên có thể tạo ra một lượng điện năng siêu nhỏ, đủ gây cảm giác hơi tê tê khi vô tình ma sát với một vật nào đó. Vì vậy, khi bạn vô tình chạm vào thân xe bằng kim loại, điện tích âm trên cơ thể sẽ sinh ra và đột ngột lóe tia lửa gây cảm giác hơi tê tay.
Bên cạnh đó, hiện tượng tĩnh điện thường xảy ra vào mùa đông do không khí bị thiếu độ ẩm để duy trì sự cân bằng điện tích âm dương. Ngược lại, độ ẩm không khí khi thời tiết nắng nóng thường tăng cao, đó cũng là lý do tại sao hiện tượng tĩnh điện thường ít gặp trong mùa hè.
Cũng theo các chuyên gia, để hạn chế hiện tượng tĩnh điện giật tê người khi thời tiết hanh khô, các bác tài nên mặc quần áo có chất liệu cotton, đi giày da thay vì sử dụng giày có đế caosu. Ngoài ra, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên nhằm duy trì và tăng cường độ ẩm cho da, đặc biệt là khi mặc quần áo có chất liệu như polyester, nilon.
Theo Trần Khanh (LĐO)