Kinh tế

Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến hết tháng 4-2024, tỷ lệ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới chỉ đạt 7,61% kế hoạch. Đây là áp lực rất lớn đối với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% vào cuối năm.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo kế hoạch vốn giao từ đầu năm 2024, nguồn vốn trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là 731,74 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 79,328 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) là 285,895 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là 366,517 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tất cả các nguồn vốn của 3 chương trình MTQG đều đã được phân bổ cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, công tác giải ngân vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Đến nay, huyện Chư Pưh đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ các dự án thuộc các chương trình MTQG chuyển nguồn từ năm 2022-2023 sang năm 2024. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, tổng kế hoạch vốn năm 2024 huyện được phân bổ (bao gồm cả năm 2022, 2023 chuyển sang) là 52,868 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, huyện đã giải ngân được hơn 9,8 tỷ đồng, đạt gần 15% kế hoạch vốn. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tổng kế hoạch vốn năm 2024 huyện được phân bổ (bao gồm nguồn vốn năm 2023 chuyển sang) là 40,535 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân 2,405 tỷ đồng, đạt 5,95% kế hoạch.

Nhà nước và Nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Diệp

Về tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ông Huỳnh Kim Đồng-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2024 (bao gồm vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang), tổng số vốn được giao để triển khai chương trình là gần 749 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 149,3 tỷ đồng, đạt 19,9%. Còn đối với nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang), Gia Lai được phân bổ 759,9 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 2,472 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 0,3%.

Liên quan đến công tác giải ngân thanh toán các nguồn vốn trung ương phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG, ông Phạm Quang Bút-Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước tỉnh-thông tin: Tính đến ngày 24-4, nguồn vốn các chương trình MTQG thực hiện thanh toán qua Kho bạc Nhà nước đạt 55,679 tỷ đồng, bằng 7,61% kế hoạch vốn giao. Trong đó, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã thanh toán 7,943 tỷ đồng, bằng 10,01% kế hoạch; nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thanh toán 11,708 tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch; nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thanh toán 36,028 tỷ đồng, bằng 9,83% kế hoạch.

Đối với kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024, nguồn vốn trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG chuyển nguồn sang năm 2024 là 182,957 tỷ đồng. Tính đến ngày 24-4 đã thực hiện thanh toán qua Kho bạc Nhà nước tỉnh đạt 31,007 tỷ đồng, bằng 16,95% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thanh toán 22,398/94,835 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch; nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thanh toán 5,293/59,195 tỷ đồng, bằng 8,94% kế hoạch; nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã thanh toán 3,316/28,927 tỷ đồng, bằng 11,46% kế hoạch.

“Điểm mặt” nguyên nhân

Thực tiễn triển khai 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: “Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, do định mức đào tạo nghề thấp nên dù huyện đã liên hệ nhưng chưa thu hút được đơn vị nào tham gia. Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự án liên kết chuỗi phải có trên 70% lao động là người DTTS ở địa phương cũng gây khó trong việc triển khai thực hiện vì không đáp ứng được yêu cầu”.

Còn ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì cho hay: “Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hầu hết cán bộ xã, ban quản lý xã, ban phát triển thôn không có chuyên môn nên công tác lập hồ sơ xây dựng theo cơ chế đặc thù gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí chi trả tiền công cho người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ từ nguồn ngân sách địa phương chưa được duyệt nên cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của chương trình này. Còn đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hiện vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể của cơ quan cấp trên về việc xác định hộ có thu nhập thấp nên khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia dự án giảm nghèo”.

Một số bà con tham gia các lớp đào tạo nghề, trở thành thợ xây dựng lành nghề. Ảnh: Sơn Ca

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng gặp nhiều vướng mắc về cơ chế thực hiện. Điển hình như tại Dự án 1 quy định “Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất tại những nơi chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất thì được xem xét vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề”. Theo đó, những hộ này không được hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước mà chỉ được vay vốn để tạo quỹ đất, do đó, địa phương khó giải ngân nguồn kinh phí đã được phân bổ thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất.

“Hay như Tiểu dự án 3 của Dự án 5, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Vì vậy, một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên chưa thuộc đối tượng thụ hưởng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ các nội dung về giáo dục nghề nghiệp của chương trình nên việc giải ngân nguồn vốn gặp nhiều khó khăn và chưa đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Hoặc tại Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ trồng rừng sản xuất, hiện chưa có quy định thống nhất về đối tượng được hỗ trợ trồng rừng sản xuất”-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh thông tin thêm.

Các học viên người đồng bào dân tộc thiểu số được học kỹ thuật xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang. Ảnh: Hà Duy

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí NTM các cấp quy định mức đạt chuẩn cao hơn, số lượng tiêu chí tăng lên so với giai đoạn 2016-2020. Việc ban hành, hướng dẫn các tiêu chí NTM của các bộ, ngành có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn triển khai của tỉnh như: chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn hay chỉ tiêu 17.6 về tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định.

Liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Mộng Hoàng-Phó Trưởng phòng Chính sách xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Bên cạnh vướng mắc về việc một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên chưa thuộc đối tượng thụ hưởng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thì ở chương trình này còn một khó khăn khác, khi tại điểm a, khoản 4, mục 3 Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ có quy định đối tượng “người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp”. Tuy nhiên, về đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, do chưa có quy định cụ thể nên các địa phương chưa có cơ sở tuyển sinh, đào tạo nghề cho đối tượng này. Với các đối tượng còn lại, qua khảo sát của các địa phương, đối tượng có nhu cầu tham gia đào tạo nghề không cao nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân”.

Nỗ lực đạt mục tiêu

Gia Lai đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% vào cuối năm 2024. Mục tiêu này có đạt hay không một phần phụ thuộc vào công tác giải ngân vốn 3 chương trình MTQG năm 2024. Tại Quyết định số 01/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 22-4-2024 về chương trình công tác năm 2024, Ban Chỉ đạo chương trình MTQG tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 đã đề ra một số giải pháp mang tính căn cơ. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chủ trì chương trình MTQG chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện từng chương trình của các sở, ban, ngành, địa phương theo quy định và kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ được phân công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện đối với cấp xã. Đối với các dự án chưa thực hiện giải ngân, đặc biệt là các dự án được giao kế hoạch vốn lớn như: Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Gia Lai do Sở Y tế làm chủ đầu tư (tổng vốn được giao là 97 tỷ đồng), các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực kỹ thuật và tài chính, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Người dân xã Cửu An (thị xã An Khê) chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai các chương trình MTQG năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đã có những kiến nghị, đề xuất để Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các chương trình. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành văn bản cho ý kiến về Dự án xây dựng Trung tâm thu mua-cung ứng nông sản an toàn cấp huyện để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn đúng quy định.

Trường hợp không thể sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án này, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến bằng văn bản để tỉnh Gia Lai có cơ sở điều chỉnh sang dự án khác thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM; có hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hưởng hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, nhất là đối với chủ thể có trụ sở chính đứng chân trên địa bàn phường, thị trấn nhưng cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu tại địa bàn nông thôn (xã) thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành văn bản quy định rõ nhóm đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, bổ sung trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc đối tượng thụ hưởng nội dung về giáo dục nghề nghiệp tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm