Theo Bộ NNPTNT, giải ngân vốn đầu tư công được Bộ coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. Việc trả lại 1.808 tỷ đồng vốn ODA thuộc kế hoạch năm 2020 của Bộ không ảnh hưởng đến kế hoạch các năm sau đối với các dự án ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Trả lại hơn 1.800 tỷ đồng
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, giai đoạn 2016-2020, Bộ đã phê duyệt, ký kết 5 chương trình, dự án vốn vay được thực hiện với tổng giá trị 20.640 tỷ đồng, bao gồm 16.537 tỷ đồng vốn vay và 4.102 tỷ đồng vốn đối ứng.
Hầu hết nguồn vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Nguồn vốn ODA được Bộ NNPTNT ưu tiên cho các công trình hạ tầng thủy lợi. Ảnh: T.L |
Chỉ tính riêng lĩnh vực phát triển hạ tầng thủy lợi, với vốn đầu tư trên 55.989 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng ở các vùng trên cả nước vừa phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp.
Việc đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi thời gian qua đã nâng hiệu quả tưới thực tế so với năng lực tưới thiết kế các công trình thủy lợi từ 76% năm 2012 lên 80% đến hết năm 2015. Đến nay, tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đạt khoảng 3,9 triệu ha đất canh tác.
Trước những băn khoăn về việc trong khi nhiều địa phương, lĩnh vực đang kêu thiếu vốn trầm trọng thì Bộ NNPTNT lại trả lại 1.800 tỷ đồng vốn ODA cho năm 2020, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 phần vốn nước ngoài (để thực hiện 40 dự án ODA) của Bộ NNPTNT là 22.085 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2019, lũy kế số vốn được giao là 17.518 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân 17.293 tỷ đồng, đạt 98,7%. Năm 2020, Bộ NNPTNT được giao 3.638,6 tỷ đồng (nguồn vốn này chỉ được sử dụng cho các dự án ODA).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm 2020, sau khi rà soát tiến độ cụ thể của từng dự án và kế hoạch triển khai thực hiện của các chủ đầu tư để phân bổ vốn, cho thấy nhu cầu thực hiện chỉ là 1.830 tỷ đồng/3.638,6 tỷ đồng (các dự án kết thúc năm 2020 đều đã được bố trí đủ vốn để thực hiện).
"Bộ NNPTNT đã chủ động báo cáo Bộ KHĐT về việc không có nhu cầu sử dụng 1.808 tỷ đồng vốn ODA còn lại để Bộ KHĐT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác có nhu cầu sử dụng. Việc trả lại 1.808 tỷ đồng vốn ODA thuộc kế hoạch năm 2020 của Bộ NNPTNT không ảnh hưởng đến kế hoạch các năm sau đối với các dự án ODA, vì các dự án còn lại đều chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 và vẫn còn đủ thời gian thực hiện, giải ngân theo hiệp định đã ký" - ông Việt khẳng định.
Cống ngăn mặn trên sông Láng Thé, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: L.A |
Ưu tiên công trình phòng chống thiên tai
Trong Công văn số 4760/BNN-HTQT của Bộ NNPTNT gửi Bộ KHĐT về xây dựng định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NNPTNT nêu rõ sẽ ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi, thủy sản, công trình phòng chống thiên tai; vệ sinh môi trường và cấp nước sinh hoạt nông thôn; cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi giá trị nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, vùng kinh tế - xã hội khó khăn và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, từ nay đến năm 2025 cần sửa chữa, nâng cấp khoảng 1.200 hồ chứa nước xung yếu để đảm bảo an toàn nên nguồn vốn ODA sẽ được ưu tiên cho các công trình này.
Cụ thể, sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống kênh mương của các hồ chứa đã hoàn thành đầu mối trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa bố trí được vốn để đầu tư hệ thống kênh phân phối, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
Nâng cấp, cải tạo và đầu tư đồng bộ các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tập trung các hệ thống ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Vốn ODA cũng sẽ ưu tiên cho các công trình phòng chống hạn hán, kiểm soát mặn và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Thúc đẩy chuyển từ cơ chế "thủy lợi phí" sang "giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi", đồng thời phân rõ vai trò chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi, đổi mới phương thức hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi, chuyển mạnh sang đặt hàng, đấu thầu trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, Bộ NNPTNT sẽ sử dụng vốn ODA phát triển hạ tầng và công nghệ giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản và vùng ven bờ; xây dựng hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản, tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản theo chuỗi liên kết ngang và dọc.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, nguồn vốn ODA dành để đầu tư đảm bảo mục tiêu quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững, ưu tiên cho vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; đảm bảo đời sống người dân trồng, giữ rừng tự nhiên, phát triển môi trường sinh thái. Trồng rừng gỗ lớn tạo nguyên liệu cho chế biến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển hạ tầng, công nghệ, máy móc cho ngành chế biến gỗ.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ ưu tiên đầu tư các hoạt động khả năng thu hồi vốn và đem lại giá trị gia tăng cao như: Trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ phát triển hạ tầng, công nghệ, máy móc cho ngành chế biến gỗ như vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ; phục hồi và quản lý rừng phòng hộ bền vững những khu vực xung yếu ven biển gắn với phát triển nuôi trồng thủy hải sản, du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT): Nguồn vốn ODA giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi Phải khẳng định, nguồn vốn ODA đã có đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình hạ tầng thủy lợi. Bộ NNPTNT luôn xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020. Bộ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ; các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan trong việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với từng dự án cụ thể. Năm 2020, Bộ NNPTNT sẽ quyết liệt chỉ đạo điều hành để phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất có thể. |
Theo KHÁNH NGUYÊN (Dân Việt)