Nhiều tỉnh, thành trọng điểm về du lịch đã tập trung kích cầu du lịch nội địa nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng, giá dịch vụ gần chạm đáy mà du khách trong nước vẫn thờ ơ
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết lãnh đạo ngành du lịch đã nỗ lực điều chỉnh thị trường khách du lịch theo hướng cân bằng hơn giữa khách quốc tế và khách nội địa nhưng có nhiều việc chưa được như mong muốn.
Loay hoay tìm hướng đi mới
Tại tỉnh Khánh Hòa, đầu năm 2021, sân bay quốc tế Cam Ranh vẫn ảm đạm, vắng bóng người. Các điểm du lịch nổi tiếng như Hòn Chồng, Tháp Bà Ponagar rất ít khách. Cảng tàu du lịch Vĩnh Trường dù những ngày này đẹp trời nhưng khách chỉ lác đác, một vài tàu xuất bến. Công ty Du lịch Tứ Hải chuyên đưa khách đi tham quan vịnh Nha Trang thậm chí có ngày không chạy được một tour biển. Một khách sạn 5 sao đã phải hạ giá bán phòng đến mức 500.000 đồng/ phòng vẫn không đủ số lượng khách.
Năm 2020 thật sự là một năm quá khó khăn đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam khi lượng khách giảm sâu đến mức chạm đáy do ảnh hưởng tiêu cực của 2 đợt dịch Covid-19 và các đợt bão lũ liên tiếp. Tổng lượng khách đến tham quan Hội An chỉ đạt hơn 923.000 lượt, giảm gần 84%; lượt khách tham quan khu phố cổ cũng giảm gần 85% so với năm 2019.
Không có khách du lịch, các nhà hàng, khách sạn ở Hội An lâm cảnh đìu hiu; hoạt động tại khu phố cổ chững lại, nhiều di tích, nhà ở phải đóng cửa. Theo số liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, sau đợt dịch lần 2 vào tháng 9-2020, trong tổng số 842 nhà ở, di tích mặt tiền được khảo sát chỉ có 331 ngôi nhà và di tích mở cửa. Trong đó, chỉ có 133 ngôi nhà đang duy trì hoạt động kinh doanh với các mặt hàng tiêu dùng, ăn uống là chủ yếu (chiếm tỉ lệ 15%).
Còn tại Hà Nội, khách nội địa đến thủ đô lại chưa tăng. Covid-19 đã bộc lộ điểm yếu của du lịch Hà Nội là không giữ được khách, chưa có sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, thiếu sự kiện quy mô, thiếu cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí. Dù đã thực hiện kích cầu du lịch nội địa nhưng tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ đạt khoảng 8,65 triệu lượt khách, bằng 30% của năm 2019. Trong đó, khách quốc tế giảm 84%, khách nội địa giảm 65%. Khoảng 90% số doanh nghiệp (DN) lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Tổng thu từ khách du lịch giảm 73% so với năm 2019.
TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) từng là TP biển tấp nập khách du lịch, nay lại vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: KỲ NAM |
Phải đổi mới, có những cú hích
Theo các chuyên gia du lịch, ngay cả khi dịch Covid-19 được khống chế, khách quốc tế sẽ không còn đi tour ồ ạt như trước đây. Do đó, muốn phát triển bền vững, các địa phương phải tự làm mới mình, lấy thị trường nội địa làm xương sống.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion, nhận định trong năm 2020, Khánh Hòa hầu như không tổ chức được một sự kiện du lịch tầm cỡ nào. Nếu chỉ đầu tư một vài tỉ đồng để tổ chức một số cuộc họp báo công bố thì vẫn chưa đủ sức lan tỏa. Như Quảng Ninh vừa qua tổ chức một lễ hội carnaval mùa đông đã thu hút hàng vạn du khách đổ về, Nha Trang - Khánh Hòa cần có những điểm nhấn như vậy để xốc lại ngành du lịch.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng Khánh Hòa cần hạn chế việc xây dựng các công trình cao tầng để giữ được môi trường trong lành của phố biển. Về lâu dài, cần xây dựng các công trình văn hóa như nhà hát, bảo tàng… để tăng giá trị cho Nha Trang; nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm. Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết du lịch Khánh Hòa sẽ tái cơ cấu toàn diện, từ định hướng phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường khách cho đến các sản phẩm đặc thù. Điều này cần có sự đồng hành của các DN bởi các cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, định hướng, còn việc "thi đấu" là của DN.
Để làm ấm không gian du lịch Hội An, từ cuối năm 2020, chính quyền địa phương đã nỗ lực kéo khách đến tham quan với nhiều sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, sự hưởng ứng, cộng đồng trách nhiệm của một số DN lưu trú, dịch vụ khi mở cửa trở lại đã mang đến luồng sinh khí mới cho bức tranh du lịch địa phương. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết từ nay đến Tết nguyên đán, Hội An sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, trong đó được chờ đợi nhất là sô diễn bên bờ sông Hoài tái hiện không gian phố cổ đầu thế kỷ XVII-XVIII.
Còn ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh năm 2021, thị trường khách nội địa vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo. Dù vậy, địa phương đang xây dựng các dòng sản phẩm phù hợp, hấp dẫn, sẵn sàng khi khách quốc tế quay trở lại.
Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết năm 2021, ngành du lịch Hà Nội xây dựng 3 kịch bản phát triển, trong đó lạc quan nhất là du lịch sớm phục hồi, phấn đấu thu hút 15,34 triệu lượt khách nội địa, tăng 2 lần so với năm 2020. Nhận định Hà Nội còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng phải tạo ra những sự kiện có thương hiệu riêng, tập trung phát triển du lịch MIC, tổ chức một trung tâm giới thiệu ẩm thực...
Trong khi đó, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nhấn mạnh TP cần xây dựng một gói sản phẩm du lịch năm 2021, chia ra để tháng nào cũng có sự kiện thu hút du lịch, làm sao để cho người Hà Nội du lịch ngay tại chỗ mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều.
KỲ NAM - TRẦN THƯỜNG - YẾN ANH (NLĐO)