Một dự án nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa. Hồng Đạt/TTXVN) |
Những năm qua, việc chăm lo, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Để giải quyết bài toán này, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa trình Quốc hội mới đây có đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, để các giải pháp hướng đến giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động hiện nay đạt hiệu quả, cần phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nhu cầu về nhà ở là chính đáng
Các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành và phát triển trong mấy chục năm qua gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế đất nước, đã hút một lực lượng lớn lao động vào làm việc tại đây. Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của người lao động.
Để giải quyết bài toán này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa trình Quốc hội mới đây có đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: việc quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách để người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…
Anh Trịnh Hữu Dũng (quê ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cùng vợ đi làm xa nhà nhiều năm nay, nhưng vẫn phải gửi các con về quê cho ông bà nuôi do chưa có chỗ ở ổn định. Với mong muốn được ở cùng, để nuôi dạy con cái, anh Dũng và vợ đã nỗ lực làm thêm, tiết kiệm chi tiêu, chắt chiu dành dụm, rồi vay mượn người thân. Dù đã đủ tiền đặt cọc ban đầu, nhưng việc đáp ứng các quy định của nhà thầu vẫn đang là rào cản để anh có thể sở hữu được căn nhà mới.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhu cầu nhà ở rõ ràng là rất cao. Nhưng hiện nay, số lượng công nhân được duyệt mua nhà ở xã hội rất hạn chế. Nguyên nhân do còn quá nhiều rào cản trong các thủ tục để xác định đối tượng được ưu đãi mua ở xã hội.
Một trong những quy định khiến người lao động gặp khó hiện nay là người mua chưa đứng tên sở hữu bất kỳ tài sản nhà đất nào. Nhiều công nhân đến từ các tỉnh miền núi xa xôi, có tên trong sổ đỏ của gia đình nên dù điều kiện ăn ở tại nơi làm việc có khó khăn đến mấy cũng không được mua nhà.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang Lê Đức Thọ cho rằng điều kiện không có nhà ở, không có đất ở tại nơi cư trú, mới đủ điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là chưa hợp lý. Khi họ về Bắc Giang làm việc thì kèm theo đó là có nhu cầu ở ổn định tại Bắc Giang chứ không thể họ từ địa phương họ đến đây rồi lại về…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang Vương Tuấn Nghĩa, có rất nhiều có bất cập khiến người lao động khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Hiện nay, chúng ta có ưu đãi rất nhiều cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, nhưng đang khắt khe và có phần chưa thực tế.
Ông Nghĩa mong muốn thời gian tới, Bộ Xây dựng tham mưu sửa đổi sao cho hợp lý nhất để người dân, người nghèo có thu nhập thấp có thể tiếp cận nhiều hơn với nhà ở xã hội.
Nhiều công nhân phản ánh, mỗi lần đi làm thủ tục mua nhà ở xã hội đều phải xin nghỉ làm, điều này khiến họ bị giảm thu nhập, nhưng vẫn không hiệu quả. Không chỉ có việc xác định đối tượng mà việc vay vốn, chứng minh thu nhập, phương thức trả góp hay nhiều thủ tục hành chính khác không phù hợp cũng khiến người lao động mất nhiều thời gian, công sức. Có thể thấy, những khó khăn, vướng mắc trên vô tình trở thành rào cản khiến người lao động rất khó tiếp cận với nhà ở xã hội.
Khảo sát về nhu cầu nhà ở của công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu về nhà ở.
Tuy nhiên, chỉ có gần 40.000 công nhân, chiếm 3% sống ở khu lưu trú, ký túc xá hoặc các khu công nghiệp. Hầu hết công nhân đều sống ở các phòng trọ có diện tích trung bình chỉ 14m2 với 4 người cùng chung sống.
Tháo gỡ “nút thắt”
Trước những bất cập về việc phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát tối cao năm 2024, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nhà ở xã hội, các doanh nghiệp có thêm động lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ công nhân.
Một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Giang. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Anh Bàn Văn Thầy (thợ mỏ Công ty Than Hà Lầm, Quảng Ninh) cho hay do mức lương của anh cũng như thợ mỏ nói chung đều cao hơn mức “chuẩn” trong quy định, thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân nên không được gọi là lao động khó khăn. Anh Bàn Văn Thầy và nhiều thợ mỏ không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội.
Lý giải về việc này, lãnh đạo Công đoàn Tập đoàn Than-Khoáng sản cho biết thợ mỏ là một nghề đặc thù, rất vất vả và độc hại nên khó thu hút lao động. Dù lương cao hơn mặt bằng nhưng người lao động vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi do tuổi nghề ngắn.
Chủ tịch Công đoàn Công ty than Hà Lầm Trịnh Ngọc Toản cho biết ngành than tuyển lao động và giữ chân lao động rất khó khăn, vì là nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Việc thu hút các lao động ở xa về rất khó do không có nhà ở tập thể cho công nhân như trước đây. Tập đoàn rất muốn bỏ kinh phí ra để xây nhà ở cho công nhân nhưng vướng về cơ chế. Do đó, việc giữ chân lao động trong ngành rất khó khăn.
Có thể thấy, những vướng mắc về mặt pháp lý đã trở thành rào cản khiến người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp khó tiếp cận với nhà ở xã hội. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người có tiền không mua được nhà ở xã hội, người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không có tiền. Nhiều dự án nhà ở xã hội xây xong nhưng không thể bán trong khi nhu cầu của người lao động lại rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn về mặt phát luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng trong quá trình tổ chức triển khai cần tập hợp các kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện mang tính thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đến tới doanh nghiệp, để làm sao hài hòa được lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.