Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Giải thưởng hay diễu hành văn chương?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau nhiều tháng trì hoãn, giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố.

Một số tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn - Ảnh: T.ĐIỂU - PHÚ THỌ
Một số tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn - Ảnh: T.ĐIỂU - PHÚ THỌ


Tuổi Trẻ trò chuyện với PGS.TS Phạm Xuân Thạch (trưởng khoa văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh chất lượng của mùa giải 5 năm 1 lần này.

Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch nói:

- Tôi đã đọc già nửa trong số các tác phẩm được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5. Tôi thấy 20 tác phẩm được trao giải cùng được tặng thưởng là quá nhiều, tưởng như một cuộc diễu hành văn chương vậy, có gì đó rất dàn trải. Giải thưởng nên tập trung vào số lượng ít tác phẩm thôi, để làm nổi bật giá trị tác phẩm, tôn vinh khuynh hướng mới nổi, những thành tựu đã được kết tụ, hơn là một cuộc diễu binh của văn học.

Chức năng của giải thưởng là khẳng định cái mới hoặc giá trị đỉnh cao. Nhưng tôi thấy đa số những tác phẩm được trao giải không có gì nổi bật, không cho thấy sự tìm tòi độc đáo, cách tân văn chương. Với tư cách người đọc, người tìm hiểu văn chương thì tôi thấy kết quả giải thưởng này không thỏa mãn tôi.

Chưa kể trong số 20 tác phẩm được trao giải lần này có những tác phẩm khá xa lạ với bạn đọc. Sách đã in ra mà vô tăm tích quá, lại được trao giải, bạn đọc cũng có thể đặt câu hỏi nó có xứng đáng được trao giải, nó có nổi bật lên như một giá trị độc đáo không?

 

PGS.TS Phạm Xuân Thạch
PGS.TS Phạm Xuân Thạch


* Nhưng những cuốn sách "vô tăm tích" có thể ít được biết song không hẳn là không hay?

- Tôi tin văn chương của Nguyễn Bình Phương không có nhiều người đọc, nhưng tôi đánh giá rất cao sáng tạo của tác giả này, và tác phẩm của anh ấy không vô tăm tích. Tôi hiểu các nhà báo có lúc này lúc kia chưa làm ổn vai trò của mình nhưng truyền thông không phải là không quan tâm đến sách, đặc biệt là những năm gần đây các hoạt động liên quan đến sách diễn ra với mật độ dày đặc và giới truyền thông tham gia cũng rất tích cực.

Có những cuốn sách rất tốt như hai tiểu thuyết Mật đạo và Ngẫu tượng của Lưu Vỹ Lân tôi được biết tới và tìm đọc là nhờ các bài điểm sách trên Tuổi Trẻ. Điều đó chứng tỏ những cuốn sách tử tế cũng được nói đến trên truyền thông đấy chứ. Cho nên, nếu cuốn sách được trao giải mà lại vô tăm tích với bạn đọc thì cũng nên đặt câu hỏi, không đổ lỗi cho người đọc, cho truyền thông.

* Vậy ông nhìn thấy những tác phẩm xứng đáng hơn đã bị giải thưởng bỏ sót?

- Tôi thấy giải thưởng lần này không bao quát được những hiện tượng văn chương đáng đọc trong giai đoạn này. Huỳnh Trọng Khang với Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ đều rất tốt... Lưu Vỹ Lân với tôi là một phát hiện những năm gần đây.

Nguyễn Bình Phương với Kể xong rồi đi, Mình và họ đáng lẽ phải từng được trao giải thưởng nào đấy mới xứng đáng tầm vóc của nó trong văn học Việt Nam. Nhưng có thể do tác giả nằm trong ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nên không gửi tác phẩm tham gia dự giải, tôi cho đó là một hành xử đúng. Đấy là tôi chưa nói đến Đỗ Phấn với Mùi trần, Nguyễn Việt Hà với Thị dân tiểu thuyết... đều là những giá trị rất xứng đáng.

Việc trao giải nhất cho Từ Dụ thái hậu tôi cho là một phương án an toàn, chiều công chúng. Tôi đánh giá cao lao động nghề nghiệp của nhà văn Trần Thùy Mai khi tìm hiểu sâu về lịch sử nhà Nguyễn, muốn thay đổi cách nhìn về lịch sử, thúc đẩy sự vận động lịch sử, nhưng tôi thấy viết thế vẫn chưa đến độ. Nó như tiểu thuyết cổ trang về lịch sử hơn là những suy nghĩ sâu sắc về lịch sử.

Trong khi Gió bụi đầy trời của nhà văn Thiên Sơn được trao giải ba nhưng tôi đánh giá không thua kém gì Từ Dụ thái hậu, nó có một số "hạt sạn" đáng tiếc do chưa được biên tập tốt, nhưng nó là một tác phẩm độc đáo nhìn cuộc Cách mạng Tháng Tám theo nhiều chiều, không bị rơi vào lối nhìn ý thức hệ giản đơn. Nó là một cuốn tiểu thuyết có tầm tư tưởng.

* Nhiều người than phiền văn chương hiện nay không có tác phẩm lớn, mới mẻ, ông nghĩ sao?

- Chúng ta luôn luôn kỳ vọng văn chương phải hay, phải thế này thế kia nên có thể thất vọng về đời sống văn học hiện nay, nhưng theo tôi, xét ở góc độ nào đó cũng có nhiều cuốn đáng đọc, không đỉnh cao nhưng vẫn ổn.

Việc trao giải thưởng thì lại không được làng nhàng. Chức năng của những giải thưởng là để loại bớt đi những thứ làng nhàng cho đời sống văn chương, mà anh lại góp thêm vào tôn vinh những sự làng nhàng thì không được. Các nhà phê bình, các hội đoàn với những giải thưởng văn chương chính là có chức năng tạo cú hích để khẳng định những giá trị thật sự, tạo thêm cảm hứng, thúc đẩy nhà văn sáng tạo.

 


Giải thưởng gọi tên nhà văn nữ

Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất cho bộ truyện hai tập Từ Dụ thái hậu của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Năm giải nhì thuộc về các tác phẩm Mệnh đế vương của tác giả Trương Thị Thanh Hiền, Trong vô tận của tác giả Vĩnh Quyền, Quay đầu lại là bờ của tác giả Hữu Phương, Thị Lộ chính danh của tác giả Võ Khắc Nghiêm, Gió xanh của tác giả Chu Lai.

Ngoài ra còn có 7 giải ba, các giải tư và một số tặng thưởng.

Ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - vui mừng "khoe" đây là "mùa gặt bội thu", với nhiều cuốn sách được phát hiện rất có giá trị, đặc biệt là một mùa bội thu của các cây viết nữ tài năng.

Ngoài tác phẩm Từ Dụ thái hậu nhận 100% phiếu bầu của hội đồng chung khảo, ông Hữu Thỉnh đánh giá cao cuốn Mệnh đế vương của nữ nhà văn An Giang Trương Thị Thanh Hiền. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, đào bới thân phận của nàng công chúa Lý Chiêu Hoàng.

Ông Thỉnh thích thú cho biết tác phẩm này là một phát hiện của cuộc thi, khi nữ nhà văn trước đây mới có vài tác phẩm và giải thưởng khá lặng lẽ.

Giải thưởng Hội Nhà văn 2020 (giải thưởng thường niên) cũng vừa được công bố trao cho tập hồi ký Gánh gánh gồng gồng của nhà văn Xuân Phượng (hạng mục văn xuôi); tập thơ Bên trời của nhà thơ Trần Kim Hoa (hạng mục thơ); Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian của tác giả Nguyễn Văn Dân (hạng mục lý luận phê bình); Lời nguyện cầu Chernobyl của tác giả Svetlana Alexievich, qua bản dịch của Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Bích Lan (hạng mục văn học dịch).


THIÊN ĐIỂU (thực hiện/TTO)

Có thể bạn quan tâm