Kinh tế

Tài chính

Giải vây công nhân khỏi tín dụng đen

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều chuyên gia tài chính đề xuất ban hành trần lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng để hỗ trợ công nhân vay vốn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ngày 1-11, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) tổ chức tọa đàm "Thực trạng vay tín dụng của công nhân (CN) tại các tỉnh, thành phía Nam và các yếu tố tác động".
83% công nhân vay với lãi suất "cắt cổ"
Kết quả khảo sát tại 7 tỉnh, thành phía Nam do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thực hiện cho thấy 98,7% CN kỳ vọng được các tổ chức tín dụng hỗ trợ vốn để chi tiêu về nhà ở, giáo dục, y tế…
 
Nhân viên tín dụng CEP hướng dẫn công nhân nghèo vay vốn Ảnh: VĨNH TÙNG
Tuy nhiên, thu nhập của CN khá thấp. Người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 32%, từ 5-7 triệu đồng/tháng là 58%, 7-10 triệu đồng/tháng 4,7%, người có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng rất ít. Vì vậy, hầu hết ngân hàng (NH) hạn chế cho CN vay tiền vì họ không thể đủ tiền trả góp hằng tháng.
Để tiếp cận được vốn từ NH, một số CN phải mượn tài sản thế chấp của người thân hoặc nhờ người đủ điều kiện vay tín chấp mà NH đưa ra để đứng tên vay hộ. Số khác (khoảng 61,7%) vay tín chấp từ các công ty tài chính với lãi suất khá cao, từ 3%-5%/tháng. Đặc biệt, hơn 83% CN vay tín dụng đen với lãi suất 50.000 - 150.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Mặt khác, do không có nhiều thời gian nên khi các công ty tài chính, đối tượng cho vay tín dụng đen tiếp thị khoản vay đến tận tay, giải ngân nhanh thì hầu hết CN đồng ý vay từ 2-10 triệu đồng, bất chấp lãi suất "cắt cổ".
Từng nhiều năm làm CN, ông Trịnh Phi Quan, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần SY Vina (Đồng Nai), nhận xét kết quả khảo sát, đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á sát thực tiễn. Theo ông, với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng, CN luôn thiếu trước hụt sau nên nhu cầu vay tiền gần như thường xuyên. "Để giúp đỡ CN gặp khó khăn về tài chính, các tổ chức tín dụng có thể phối hợp với ban giám đốc, Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên… tại các công ty để cho vay với số tiền nhỏ. Việc này có thể hạn chế tình trạng CN tiếp cận tín dụng đen" - ông Trịnh Phi Quan gợi ý.
Siết mức trần tín dụng của công ty tài chính
PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết hiện Việt Nam có 4 tổ chức tài chính vi mô (trong đó có Tổ chức Tài chính vi mô - CEP) cho người thu nhập thấp vay tiền với lãi suất hợp lý nhưng nguồn vốn lại không nhiều. Vì thế, bà Dao khuyến nghị các tổ chức tín dụng có thể hợp vốn với 4 tổ chức này để cho CN vay. Vấn đề còn lại là pháp luật cần thay đổi theo hướng cho phép các NH thương mại tài trợ vốn cho tổ chức tài chính vi mô.
Bàn về nhu cầu vay tiền của CN, chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hòe cho rằng trước hết, chủ doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHXH, BHYT… để CN giảm thiểu chi tiêu khi xảy ra hữu sự. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần gia tăng các sản phẩm cho vay tín chấp phù hợp với thu nhập của CN như cấp thẻ tín dụng hạn mức vài triệu đồng, gia tăng thấu chi số tiền vay, tăng cường thiết bị công nghệ cho vay để khách hàng không phải mất quá nhiều thời gian.
Tuy vậy, ông Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng để CN dễ tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý, phải thiết lập trần lãi suất cho vay tiêu dùng 20%/năm. Bởi việc CN vay vốn để giải quyết khó khăn trong cuộc sống là vấn đề của xã hội và cần được xã hội giúp đỡ.
"Tuy các công ty tài chính hiện đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người thu nhập thấp nhưng với lãi suất hơn 30%/năm là quá sức chịu đựng đối với họ. Do đó, nhà nước có thể hạn chế công ty tài chính tối đa hóa lợi nhuận bằng cách điều chỉnh các quy định của pháp luật về cho vay, xóa bỏ công ty nào cho vay tín chấp với lãi suất vượt trần; đồng thời, cam kết tái cấp vốn cho công ty tài chính nếu trong quá trình cho vay tín chấp công ty đó bị mất vốn. Khi đó, tình trạng tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi" - ông Trương Văn Phước đề xuất. 
CEP - quỹ trợ vốn lãi suất thấp cho người nghèo
Tổ chức Tài chính vi mô - CEP tiền thân là Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm được thành lập vào năm 1991. Đây là một trong những chương trình hành động cụ thể của LĐLĐ TP HCM tham gia xây dựng chiến lược giảm nghèo và tạo việc làm bền vững trong CN, lao động. CEP đang phục vụ cho 328.940 khách hàng CN, lao động nghèo vay vốn với mạng lưới 34 chi nhánh tại 9 địa phương, gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám CEP, cho biết: "Chúng tôi phục vụ CN, lao động nghèo tại nơi làm việc hoặc nơi ở của họ ở cộng đồng và không thu bất kỳ khoản phí nào. Đối với CN, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, CEP cung cấp dịch vụ đến nơi làm việc thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở chỉ cần giới thiệu CN có nhu cầu vay vốn, xác nhận tình hình việc làm của họ và CEP sẽ giao vốn đến tận tay".
Các sản phẩm, dịch vụ CEP cung cấp cho CN, lao động nghèo gồm: Sản phẩm tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập (lãi suất bình quân từ 0,6%-0,65%/tháng, mức vay tối đa 50 triệu đồng); sản phẩm tín dụng sửa chữa nhà (lãi suất bình quân 0,6%/tháng, mức vay tối đa 50 triệu đồng); sản phẩm tín dụng học nghề (lãi suất bình quân 0,5%/tháng, mức vay tối đa 30 triệu đồng); sản phẩm cho vay khẩn cấp (lãi suất bình quân 0,5%/tháng, mức vay tối đa 15 triệu đồng). V.Tùng
.
Thy Thơ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm