Xã hội

Giảm nghèo bền vững: Động lực phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Gia Lai đã giảm nhanh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Quan tâm hỗ trợ sinh kế
Đến nay, gia đình anh Ksor Hoen (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã thoát nghèo. Trước đây, anh Hoen có 2 ha đất chủ yếu trồng cây mì. Vì thiếu vốn đầu tư và không có kinh nghiệm canh tác nên năng suất đạt thấp, thu nhập không ổn định.
Năm 2018, anh Hoen mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Sau đó, anh được chính quyền hỗ trợ 15 triệu đồng để chuyển đổi 1 ha đất trồng mì sang trồng mía. Trong quá trình chăm sóc, anh luôn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây mía phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Anh Hoen chia sẻ: 1 ha mì chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/năm, còn cây mía thu đến 60 triệu đồng/năm.
“Lâu nay, bà con dân tộc thiểu số rất ngại thay đổi trong trồng trọt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình mình có động lực để thay đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả. Sắp tới, mình sẽ chuyển đổi thêm 1 ha mì sang trồng mía. Có nguồn thu ổn định, mình lo cho con ăn học đầy đủ và đang xây nhà mới để đón Tết”-anh Hoen khoe.
Ông Ksor Hoen (ở giữa, làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo. Ảnh: Phan Lài
Anh Ksor Hoen (ở giữa; làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê) thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo. Ảnh: Phan Lài
Krông Pa là 1 trong 4 huyện của tỉnh được thụ hưởng Chương trình 30a giai đoạn 2016-2018. Theo đó, Chương trình đã hỗ trợ bò sinh sản cho 404 hộ dân tại 5 xã: Chư Gu, Phú Cần, Chư Rcăm, Uar và Ia Mlah. Tổng kinh phí thực hiện hơn 7,5 tỷ đồng. Cùng với đó, Chương trình 135 đã hỗ trợ cây giống, vật nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp cho gần 17.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Sự hỗ trợ trên đã tạo động lực để các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-chia sẻ: “Bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể cũng đã hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất”.
Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo
Cùng với hỗ trợ sinh kế, từ năm 2016 đến nay, có hơn 100 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với tổng số vốn trên 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các địa phương tích cực triển khai.
Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 1.881 hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 67,7 tỷ đồng; hơn 58 ngàn người được đào tạo nghề. Hầu hết lao động sau học nghề đã tự tạo được việc làm, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã phối hợp với các địa phương cấp hơn 400 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Các chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tiền điện… được người nghèo tiếp cận đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các chính sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,71% (năm 2015) xuống còn 7,04% vào cuối năm 2019, dự kiến giảm xuống còn 4,5% vào cuối năm 2020.
Ông Trịnh Đình Quyết (thôn Ia Sa, xã Hbông, huyện Chư Sê) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ dê giống để phát triển sản xuất. Ảnh P.L
Ông Trịnh Đình Quyết (thôn Ia Sa, xã Hbông, huyện Chư Sê) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ dê giống để phát triển sản xuất. Ảnh: Phan Lài
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Số hộ đã thoát nghèo nhưng nằm trong diện cận nghèo lớn và vẫn còn tình trạng tái nghèo. Nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững chưa đáp ứng được nhu cầu; việc huy động nguồn lực, xã hội hóa công tác giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương. Việc phát huy nội lực từ chính người nghèo ở một số nơi đạt kết quả thấp. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện giảm nghèo bền vững ở một số địa phương thiếu sâu sát, kế hoạch giảm nghèo chưa sát với thực tiễn…
Để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Giảm nghèo bền vững là khâu đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%; bình quân trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm giảm 0,8%.
Để đạt được mục tiêu này, các ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp như: phân loại từng nhóm hộ nghèo và xác định nguyên nhân để có giải pháp giảm nghèo phù hợp; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm