(GLO)- Ngày 16-8, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Krông Pa về việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Krông Pa giai đoạn từ đầu năm 2015 đến nay.
Theo báo cáo, toàn huyện có 406 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có 18 cơ sở sản xuất thực phẩm, 215 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 173 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Từ đầu năm 2015 đến nay, huyện đã thành lập 10 đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra 655 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, đã phát hiện 99 lượt cơ sở vi phạm với các hành vi chủ yếu như hàng hóa không có nhãn mác, chủ cơ sở không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, khu sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh… Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 6 triệu đồng và tiến hành nhắc nhở 97 cơ sở. Đặc biệt, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra một trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng lớn (103 người) tại tiệc cưới ở buôn Uôr, xã Chư Drăng, rất may không có trường hợp nào tử vong.
Ảnh: Q.T |
Đồng thời, huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn với 199 học viên tham gia và được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện toàn huyện có 73/176 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn thời hạn và 17/31 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được ký giấy cam kết thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm…
Tại buổi làm việc, các đại biểu phát biểu trao đổi, giải trình, cung cấp thêm những nội dung mà các thành viên đoàn giám sát đề nghị làm rõ, đồng thời đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý về quản lý Nhà nước đối với an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thanh Nuôi-Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương. Đồng thời, đồng chí đề nghị từng thành viên Ban chỉ đạo huyện phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, chú trọng phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng để người dân hiểu và từng bước nâng cao nhận thức trong thực hiện và giám sát việc thực hiện về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Trước khi làm việc với Ban chỉ đạo huyện đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất bò 1 nắng Tuấn Hậu, cơ sở sản xuất giá đỗ Đinh Thị Hoàng (thị trấn Phú Túc) và 2 cơ sở kinh doanh tạp hóa tại xã Phú Cần. Qua giám sát, đoàn đã phát hiện: các cơ sở kinh doanh trên đều không có các khu chế biến, khu kinh doanh riêng biệt mà chủ yếu là sử dụng diện tích và không gian sinh hoạt của gia đình để kinh doanh; chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, có nguy cơ nhiễm khuẩn cao; tình trạng buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đoàn đã đề nghị các cơ sở trên sớm khắc phục, đảm bảo theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quang Tấn