Nói về chỉ đạo này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: "Tùy điều kiện từng trường để thực hiện theo các cách khác nhau. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, số học sinh/lớp không nhiều thì có thể đảm bảo bố trí học 1 ca/lớp. Nhưng những nơi có sĩ số đông phải chia nhỏ lớp học thành các nhóm khác nhau".
Học sinh ngồi so le, cách nhau 1,5m
Trước tình hình học sinh tại một số tỉnh, thành phố đã quay lại trường học, Bộ GDĐT vừa có công văn gửi các Sở GDĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trường trung cấp sư phạm; các đơn vị trực thuộc Bộ về việc hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học.
Bộ Y tế khuyến cáo học sinh trở lại trường ngồi học cách nhau 1,5m (Ảnh minh họa: Nguyễn Chương).
Theo đó, công văn có ghi rõ, nhà trường phải bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành Y tế; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường đảm bảo giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định. Cụ thể, theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong văn bản số 2234, thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp ngày 20/4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, được gửi tới Bộ GDĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó ghi rõ nhà trường đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5 m. Căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le... cho phù hợp.
Nói về chỉ đạo này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: "Tùy điều kiện từng trường để thực hiện theo các cách khác nhau. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, số học sinh/lớp không nhiều thì có thể đảm bảo bố trí học 1 ca/lớp. Nhưng những nơi có sĩ số đông phải chia nhỏ lớp học thành các nhóm khác nhau".
Khó có phương án thực hiện
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ - Hà Nội cho rằng, việc đảm bảo được khoảng cách 1,5m giữa các học sinh với nhau chỉ phù hợp với các lớp có sĩ số thấp hoặc trường học có ít học sinh có thể chia ca để đảm bảo được khoảng cách tối thiểu. "Riêng quận Tây Hồ rất khó thực hiện bởi có 900 phòng học mà có tới 30.000 học sinh" - Ông Lê Hồng Vũ chia sẻ.
Khó thực hiện việc giãn cách 1,5m trong lớp học.
Hiệu trưởng một trường tư thục tại Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại về khuyến cáo trên của Bộ Y tế.
"Việc giãn cách sĩ số trong lớp chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa tìm được phương án khả thi. Sĩ số hiện tại lên đến 40 - 50 em mỗi lớp thì thực hiện giãn cách rất khó" - Hiệu trưởng này cho hay.
Nói về việc chia ca học của một lớp để đảm bảo sĩ số, vị này cho rằng, chia ca sẽ phát sinh chi phí trả lương cho các thầy cô giáo hoặc phải điều động thêm giáo viên, chưa kể như vậy sẽ khó đảm bảo được công tác vệ sinh ở mỗi lớp sau khi học xong. Đặc biệt là trong bối cảnh giáo viên và học sinh phải dạy thêm, dạy bù để đảm bảo hoàn thành chương trình vào thời hạn 15/7 tới đây.
Cô Bùi Thu Hương, giáo viên cấp 1 tại TP.Thanh Hóa cho rằng, việc đảm bảo giãn cách 1,5m đối với các học sinh cấp 1 là điều rất khó thực hiện. "Học sinh cấp 1, đặc biệt là với lớp 2, 3 rất hiếu động, việc đảm bảo giãn cách các em tại trường như không tụ tập giờ ra chơi, rửa tay thường xuyên... các thầy cô giáo có thể quán triệt nhưng việc ngồi học giãn cách 1,5m thì rất khó thực hiện" - cô giáo Thu Hương bày tỏ.
Theo dự kiến, nhiều tỉnh, thành sẽ cho học sinh đi học trở lại trong tuần đầu tháng 5, trong đó có Hà Nội nếu không có diễn biến phức tạp tăng thêm của dịch bệnh. Việc đi học trở lại cũng thực hiện tuần tự từng tuần theo hướng ưu tiên học sinh khối 9, cấp THPT, rồi đến các cấp thấp hơn.
Hà My (Dân Việt)