(GLO)- Thời chúng tôi học, quy mô trường lớp không như bây giờ. Cả huyện đồng bằng miền Trung quê tôi chỉ có 1 trường cấp III đặt tại trung tâm huyện lỵ. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, đất nước khó nghèo, để đến trường, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Với những học sinh nhà ở xã nằm bên bờ Nam sông Côn, để đến trường, có người phải vượt cung đường đất chừng 10 km, qua chuyến đò ngang bến sông Trường Thi. Nhiều hôm, cả chuyến đò chỉ chở học sinh tan trường. Đầu hạ, sông Côn cạn dòng, nước trong veo, mát rượi dưới ánh nắng chói gắt. Tan trường đã giữa trưa, tuy bụng đói cào vẫn nghĩ ra trò nghịch. Đám con trai rủ nhau đứng làm hai dãy dọc mạn đò, đưa mắt ra hiệu rồi cùng nhún chân theo nhịp bên này, bên kia làm cho chiếc đò dập dềnh chao đảo, rồi hí hố cười, gọi là đi tàu thủy. Lái đò lúc ấy là một thanh niên độ 20 tuổi giận lắm, lúc thì lấy sào tre dài dùng đưa đò huê ngang đầu buộc chúng tôi ngồi xuống, lúc thì bỏ mặc con đò trôi xuôi theo dòng, cập nơi xa lắc để rồi cả bọn xắn quần men theo bờ soi lần ra đường chính mà về.
Một lớp học thời bao cấp. Ảnh: Internet |
Mùa mưa, đường quê trơn lầy, tay cầm dép, quần xắn cao, bàn chân trần bám đất lầm lũi bước trong ánh ngày chưa rạng. Mùa mưa, hạ lưu sông Côn nước ngầu đục, cuồn cuộn chảy. Cách bến quãng khá xa, chúng tôi cất tiếng gọi đò, vì nếu nhỡ chuyến là lỡ hẳn tiết học. Đưa chiếc đò ngang có thêm bác lái giàu kinh nghiệm sông nước, cầm chèo đằng mũi giúp con đò nặng nhọc vượt sông. Khách qua đò chừng như nín thở qua sông bởi chẳng có áo phao, không phương tiện bảo hộ. Bây giờ hình dung lại còn rùng mình sợ hãi. Ấy vậy mà chưa từng có chuyện xui xẻo xảy ra, kể thật may mắn!
Mùa mưa, có những trận lụt bất ngờ. Kết thúc buổi học chiều, trời đã sập tối. Giữa đầy trời mưa bay, gió giật, con nước lớn bủa vây cô lập, lòng chúng tôi rối bời. Đi về bằng đường nào, cách nào? Ở lại qua đêm, biết trú nhờ nhà ai? Co cụm dọc hành lang ngôi trường nhìn đêm sầm sập đổ, lũ chúng tôi bàn phương án. Có hôm, tôi và người bạn cùng xóm liều mình sang nhà thầy giáo cạnh trường lên tiếng ở nhờ. Thương cảm hoàn cảnh hai cậu học trò, vợ chồng thầy nấu cơm cho chúng tôi ăn, sắp xếp chỗ qua đêm cùng đám con 7 đứa của mình trong gian nhà hẹp nửa thưng ván, nửa xây. Hơn 10 năm trôi qua, ngày chúng tôi đưa thầy về nơi an nghỉ, có mấy người con của thầy còn nhận ra, nắm chặt tay, đỏ mắt nhìn nhau!
Thời chúng tôi đi học không có chuyện dạy thêm, học thêm. Khát vọng đổi đời bằng con đường học vấn cháy bỏng, nhất là với học sinh nông thôn. Tích lũy kiến thức để vượt qua khe cửa hẹp cổng trường đại học bằng cách nào? Câu hỏi gây áp lực với học sinh ham học từ năm đầu cấp. Tự học, tự đọc, trao đổi và suy ngẫm là giải pháp cứu cánh. Chúng tôi tìm đến sách: mượn lại từ anh chị đi trước, từ thư viện nhà trường. Thư viện không có nhiều sách tham khảo, phải đợi thời gian lâu mới đến lượt, lại chóng phải trả.
Trước cổng trường thi thoảng có người đàn ông luống tuổi bán sách tham khảo trên chiếc xe đạp. Vì số lượng sách có hạn, lo không đến phần, tôi còn tìm đến nhà bác nhỏ to dặn dò, nhờ đỡ. Mua được cuốn sách mình cần, mừng lắm!
Việc tự học gặp nhiều cái khó, mất nhiều thời gian. Chọn trường đại học là vấn đề lớn, tuổi trẻ vốn không hiểu nổi mình, bậc phụ huynh cả đời chân lấm tay bùn càng không biết được năng lực và sở thích con cái, trong khi cơ hội thì quá hẹp. Tôi may mắn được dự thi đại học lần nữa nhờ… bệnh cận thị.
Thời gian trôi, kỷ niệm ngày đi học không quên. Để rồi, một lứa bên trời dịp gặp lại hàn huyên về thời cắp sách, tươi nguyên tiếng gọi: Đò… ơi!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ