Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Giao dịch bất động sản tăng trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu trong tháng 8 và 9 thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản chỉ ở mức 640 tỉ đồng và 685 tỉ đồng thì sang tháng 10 con số đã tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 1.400 tỉ đồng.
Sở dĩ nguồn thu thuế, phí từ đất tăng cao là do ngay sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân được đi lại, giao dịch bất động sản (BĐS) tăng hơn trước.

Giao dịch đã nhộn nhịp hơn
Giao dịch đã nhộn nhịp hơn
Không chỉ thuế thu nhập cá nhân tăng mà thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 cũng có những chuyển biến tích cực, đạt 3.322 tỉ đồng, trong khi tháng 9 là 1.930 tỉ đồng và tháng 8 chỉ 984 tỉ đồng. Theo đánh giá từ cơ quan quản lý thuế, hoạt động chuyển nhượng BĐS là một trong những nguồn thu ghi nhận mức tăng đột biến từ đầu năm đến nay, cùng với một số nguồn thu từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất lắp ráp ô tô…
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển thị trường Công ty DKRA Vietnam, tâm lý tích cực, tin vào sự phục hồi trên thị trường đã xuất hiện trong tháng qua. Các chủ đầu tư đang cố gắng giành lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội. Khi ấy, họ lo lắng thị trường bị đóng băng nhưng vẫn nỗ lực chuyển sang bán hàng online… Đến tháng 10, thị trường BĐS bắt đầu khởi sắc. Điều đó cho thấy người có tiền vẫn lựa chọn BĐS là kênh đầu tư quan trọng.
BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn, là kênh đầu tư được người dân VN ưa chuộng nhất, nên càng dịch bệnh người dân càng chọn BĐS là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường BĐS nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lỏng giãn cách, được đi lại.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh
Ông Hoàng phân tích từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường BĐS luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống nên cũng hồi phục nhanh chóng. Dự báo về thị trường BĐS quý 4/2021, ông Nguyễn Hoàng cho biết nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý 3, không chỉ ở TP.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Nguồn cung mới trong phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng nhẹ trong quý 4 tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với quý 2, 3 (khoảng 4.000 căn hộ). Sức mua về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với quý 1 hoặc cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn BĐS là kênh để đầu tư lâu dài và đa dạng hóa, bảo toàn giá trị tài sản. Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. “Trong quý 4, giao dịch trên thị trường khó có thể tăng mạnh mà vẫn ổn định như quý 3. Dù áp lực tăng giá có thể xảy ra bởi nhiều lý do tác động như: chi phí đầu vào, áp lực lạm phát… nhưng chủ đầu tư cũng sẽ tăng cường các chính sách bán hàng như kéo dài thời gian thanh toán, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất… để hấp dẫn người mua. Một số dự án sẽ có chiến lược tăng giá tùy theo thế mạnh của mình”, ông Hoàng phân tích.
Nhiều dự án lớn khởi động
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong tháng 9, Tập đoàn Thắng Lợi đã tổ chức buổi lễ giới thiệu mở bán chính thức trực tuyến giai đoạn 3 dự án The Sol City (tỉnh Long An).
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết: “Hoạt động giao dịch mua bán BĐS trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì giãn cách xã hội nên không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận… trong khi BĐS là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt”.
Đây được đánh giá là dự án đầy tiềm năng cho BĐS khu Tây Sài Gòn. Dự kiến trong tháng 10, tập đoàn này còn triển khai nhiều sự kiện mở bán dự án trên. Tập đoàn Hưng Thịnh vừa trở thành đối tác chiến lược cùng Công ty cổ phần địa ốc Sông Tiên để phát triển dự án Angel Island trong thời gian tới. Dự án Angel Island (khu đô thị du lịch Nhơn Phước) ở đảo Nhơn Phước, xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng, quy mô rộng hơn 204 ha. Đây được xem là động thái hồi sinh dự án chưa phát triển xứng tầm nhiều năm nay. Một dự án nữa cũng được giới BĐS quan tâm trong thời gian gần đây là Grand Marina Saigon, dự án của Masterise Group (tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư Thảo Điền - Thảo Điền Investment), tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1 cũng đang được quảng bá rầm rộ thời gian qua. Hiện nhiều sàn giao dịch BĐS đã bắt đầu chính sách quảng cáo để khách hàng quan tâm đến dự án này. Dự án đang được xây dựng hoàn thiện và dự kiến hoàn thành vào quý 1/2024.
Có thể thấy sau thời gian giãn cách, thị trường BĐS đang nóng trở lại. Điều này cũng dễ hiểu. Từ đầu tháng 10.2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc xin cho đối tượng từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thị trường BĐS từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về BĐS, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
Giá vẫn tăng
Lý giải về việc giá BĐS vẫn tăng, bất chấp giao dịch giảm, bất chấp dịch bệnh, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, nói: “Tuy dịch bệnh kéo dài gây nhiều tổn thất nhưng do quỹ đất không còn, ngay cả các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương cũng hiếm quỹ đất tốt, có pháp lý hoàn thiện. Cung giảm thì giá BĐS tăng, đó là tất yếu. Không những thế, các chi phí vốn, xây dựng, tiền sử dụng đất đều tăng mạnh, cũng là lý do khiến giá BĐS tăng cao. Ngoài ra, BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn, là kênh đầu tư được người dân VN ưa chuộng nhất, nên càng dịch bệnh người dân càng chọn BĐS là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường BĐS nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lỏng giãn cách, được đi lại”.
Theo TS Vũ Đình Ánh, kinh tế đi lên hay đi xuống, lượng tiền vẫn thế, chỉ đi từ túi người này sang túi người khác. Thế nên, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác. Minh chứng là chứng khoán vẫn tăng và đi vào các doanh nghiệp làm ăn tốt. Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó. Không chỉ ở VN mà cả thế giới chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và BĐS cũng vậy. Đây là kênh tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hóa khoản lãi từ thị trường chứng khoán sang BĐS. Tiền đổ vô đâu thì thị trường đó nóng lên.
Theo Đình Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm