Thời gian gần đây, công tác giáo dục di sản đã nhận được sự quan tâm từ nhà trường cho đến các đơn vị, các cấp, các ngành. Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ 2 diễn ra vào tháng 4 vừa qua ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), chúng tôi không khỏi xúc động khi gặp các đoàn học sinh đến tìm hiểu về những hoạt động hấp dẫn tại đây. Không bỏ lỡ bài học thực tế ngay từ chính cuộc sống, các giáo viên đã nhanh nhạy đưa học sinh của mình đến tìm hiểu về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là một trong những cách giáo dục di sản.
Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến chủ trương đưa cồng chiêng vào trường học trong nhiều năm qua. Chính sự nỗ lực thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động các đội cồng chiêng “nhí” đã “tiếp lửa” cho sức sống di sản.
Học sinh một trường mầm non được hướng dẫn tham quan Bảo tàng tỉnh. Ảnh: L.N |
Trong khi đó, Bảo tàng tỉnh cũng liên tục đón các đoàn học sinh đủ cấp học, kể cả bậc mầm non đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử-văn hóa. Đơn vị còn chủ động tổ chức nhiều sân chơi bổ ích như: “Tìm về di sản”, “Ngày hội di sản văn hóa”, thiết thực giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào về vốn quý văn hóa của địa phương, đất nước.
Tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” tại chương trình “Tìm về di sản” vào tháng 10-2022, em Trần Vũ Hoài Anh (Trường THPT Pleiku) hào hứng chia sẻ: “Đến với phần thi này, em đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhất là về các di sản văn hóa tại tỉnh ta. Cuộc thi đã truyền đi thông điệp di sản cần được gìn giữ, bảo vệ, góp phần quảng bá, phát triển du lịch Gia Lai”.
Mới đây, ngày 21-6, tại TP. Pleiku, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dành cho các bảo tàng, ban quản lý di tích một số tỉnh thành phía Nam về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải, xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa; đồng thời, hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
Theo đó, gần 100 học viên đã được các chuyên gia truyền đạt các chuyên đề: giáo dục di sản cho các bảo tàng, di tích; phương pháp và kỹ năng xây dựng, tổ chức hoạt động/chương trình giáo dục di sản; kỹ năng truyền đạt thông tin, thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan; phương pháp xây dựng, tổ chức chương trình giáo dục di sản có ứng dụng công nghệ thông tin… Có thể thấy, công tác này đang ngày càng được chú trọng với tính chuyên nghiệp cao nhằm tạo sức hấp dẫn đối với khách tham quan.
Chương trình "Tìm về di sản" do Bảo tàng tỉnh tổ chức tháng 10-2022 thu hút hơn 500 học sinh trên địa bàn TP. Pleiku tham gia. Ảnh: Lam Nguyên |
Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phối hợp tổ chức các chương trình giàu tính sáng tạo, đủ sức hút.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong nêu quan điểm: Giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các trường. Các mô hình cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các trường cần tạo điều kiện, bố trí thời gian để học sinh tham gia; còn bảo tàng, đơn vị quản lý di tích cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để có thêm nhiều chương trình hấp dẫn, lý thú, khơi dậy tình yêu di sản trong giới trẻ.
Như vậy, sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là rất quan trọng. Ở chiều thứ nhất, bảo tàng được phát huy các giá trị lưu trữ vào đời sống, không lãng phí nguồn học liệu phong phú về di sản văn hóa. Ngược lại, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được mở rộng tầm nhìn, bổ sung kiến thức về văn hóa-lịch sử. Từ chỗ hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của di sản, các em sẽ có ý thức và trách nhiệm bảo tồn.
Để làm được điều này, cần chú trọng xây dựng các chuyên đề giáo dục di sản phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi; khích lệ học sinh chủ động khám phá, thực hành và trải nghiệm dưới nhiều hình thức. Tại Bảo tàng tỉnh, khi Dự án “Phòng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đi vào hoạt động, điểm đến này chắc chắn sẽ là ưu tiên của học sinh các cấp trong giờ ngoại khóa.
Cùng với đó, nhiệm vụ giáo dục di sản cũng đòi hỏi sự chủ động rất lớn của thầy-cô giáo trong việc hướng dẫn học sinh trải nghiệm thực tế. Các mô hình xã hội hóa giáo dục di sản cũng cần được lưu ý, như chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm”, một hoạt động mới mẻ và sáng tạo do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức trong thời gian qua, vừa góp phần quảng bá vừa thực hành giáo dục di sản rất hữu hiệu.