Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Gia Lai: Hiệu quả thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP-AN) nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá Đinh Văn Dũng-Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: “Để công tác GDQP-AN đạt hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng GDQP-AN các cấp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; bám sát nội dung, đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh luôn chủ động phối hợp với nhau và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nắm quân số, đối tượng để tham mưu giúp UBND tỉnh và các địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh đảm bảo chất lượng. Nét mới trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh hiện nay cho đối tượng 3 là giáo viên đảm nhận chương trình đều là lãnh đạo cấp phòng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh, được tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cụ thể, chuẩn bị giáo án và thông qua giáo án trước lúc lên lớp. Riêng đối tượng 4, các địa phương phân chia thành 5 cụm; trong quá trình học tập có sự giám sát, kiểm tra của các thành viên Hội đồng GDQP-AN tỉnh”.
 Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mang Yang đến nhà dân tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự. Ảnh: L.Q
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mang Yang đến nhà dân tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự. Ảnh: L.Q
Từ đầu năm 2019 đến nay còn có thêm 68 trưởng, phó trưởng phòng, ban cấp tỉnh, huyện, 440 chính trị viên, chính trị viên phó cấp xã và trên 2.750 lượt sinh viên, học sinh THPT tham gia học tập kiến thức quốc phòng-an ninh đạt kết quả tốt. Để công tác GDQP-AN đi vào chiều sâu, có hiệu quả, các địa phương đã phát huy vai trò tham mưu của cơ quan Quân sự các cấp và của Hội đồng GDQP-AN; nghiên cứu đổi mới hình thức, xác định đúng đối tượng, chuẩn bị nội dung phù hợp, dễ hiểu, sát với đặc điểm tình hình địa bàn, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, những khó khăn, vướng mắc đang diễn ra. Phương pháp giáo dục là nói ngắn gọn, lồng ghép thực tế, kinh nghiệm thực hiện, bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng.
Dưới sự chỉ đạo của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương “Gắn công tác tuyển chọn thanh niên nhập ngũ với tạo nguồn cán bộ cơ sở, ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn”. Đây là nét mới phù hợp nhằm trang bị kiến thức về quốc phòng-an ninh cho lực lượng cán bộ nguồn ở cơ sở, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Binh đoàn 15 cũng đã phối hợp thực hiện tốt chủ trương bám nắm thôn làng, bà con địa phương, vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa phối hợp tuyên truyền, GDQP-AN, củng cố mối quan hệ quân dân bền chặt, góp phần làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, xây dựng vùng biên giới ổn định, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh.
Theo ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O (huyện Ia Grai), đối với một xã biên giới còn khó khăn như Ia O thì công tác GDQP-AN rất quan trọng. “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Ia O, Công ty 715 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng, đặc biệt là các già làng, trưởng thôn. Bên cạnh đó, UBND xã đã phát huy vai trò của Tiểu đội Dân quân thường trực trong tuần tra bảo vệ địa bàn biên giới, bám dân, bám thôn làng để vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đoàn kết dân tộc, tôn giáo, Luật Nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và giúp đỡ người dân trong các tình huống thiên tai, phát triển kinh tế. Nhờ đó, địa bàn xã thời gian gần đây ổn định, không còn chuyện vượt biên, quân dân đoàn kết chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh”-Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết.  
 Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 3 năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác GDQP-AN toàn dân bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, phù hợp. Ngoài tổ chức học tập trung các chuyên đề cho các đối tượng theo quy định, các cơ quan, ban ngành, các đơn vị đứng chân trên địa bàn và lực lượng vũ trang tỉnh còn kết hợp những ngày hội làng, lễ, Tết… có đông đủ bà con tụ họp để tổ chức phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn những nội dung về phát triển kinh tế, gắn với củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình trạng một bộ phận người dân tộc thiểu số vượt biên đã giảm đáng kể; các “điểm nóng” người dân tụ tập vi phạm pháp luật không còn diễn ra; trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để người dân đoàn kết gắn bó, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp.
LÊ QUANG

Có thể bạn quan tâm