Kinh tế

Giao thông Gia Lai, xa và gần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 thập niên, tốc độ phát triển về giao thông của Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng là rất nhanh, ngày càng đáp ứng được yêu cầu lưu thông của người dân.

Quốc lộ 14 đoạn qua Gia Lai. Ảnh: Minh Thi

Trước năm 1975, về đường bộ hầu như cả tỉnh chỉ mới sử dụng tuyến quốc lộ 19 là chính, các tuyến quốc lộ 25 và quốc lộ 14 do chiến tranh nên bị xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên ách tắc lưu thông. Đường hàng không thì tuần vài chuyến nối Sân bay Tân Sơn Nhất với Sân bay Cù Hanh, sân bay này nguyên là căn cứ không quân của quân đội Sài Gòn có dành một khu vực cho máy bay dân sự thuộc Hãng Hàng không Air Việt Nam.

Ngay sau ngày giải phóng, chính quyền và ngành Giao thông-Vận tải Gia Lai đã tích cực tìm các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh, đặc biệt là tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn. Sau 2 thập niên, hầu hết các xã trong tỉnh đều có đường ô tô đến tận nơi, rất nhiều tuyến đường thuộc khu vực các thị trấn, thị tứ được rải nhựa, tuyến giao thông nông thôn cũng được rải nhựa hoặc cấp phối, nhất là các đường giao thông nằm trong khu vực sản xuất của các công ty, nông trường cao su, cà phê được các doanh nghiệp này đầu tư xây dựng nhằm giải quyết yêu cầu vận chuyển sản phẩm và lưu thông trên địa bàn.

Lần lượt các tuyến đường huyết mạch của tỉnh như quốc lộ 25, quốc lộ 14 và quốc lộ 19 được nâng cấp, bảo đảm giao thông thông suốt từ TP. Pleiku đến các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng Duyên hải miền Trung. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 8.000 km đường giao thông, trong đó có 484 km tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn, 500 km tỉnh lộ và trên 7.500 km giao thông nông thôn với tỷ lệ “cứng hóa” đạt 30%. Đó là chưa kể đến tuyến quốc lộ 14C và đường Trường Sơn Đông dài hàng trăm km chạy qua địa bàn. Đối với TP. Pleiku-trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của tỉnh, hệ thống giao thông cũng phát triển tương ứng. Hiện nay toàn thành phố có 840 km đường giao thông, gồm 182 tuyến đường đô thị có tên, khoảng 1.100 tuyến đường giao thông nông thôn và 42 tuyến đường trong khu quy hoạch, khu tái định cư.

Điểm đáng chú ý nhất là từ TP. Pleiku, chúng ta có thể đi bằng đường bộ sang các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Thái Lan. Qua quốc lộ 19, chỉ sau một giờ chúng ta đã đến thành phố Ban Lung của tỉnh Rattanakiri, sau đó tiếp tục đến Stung Treng rồi đi sâu vào lãnh thổ Vương quốc Campuchia chỉ trong thời gian một ngày và có thể đi tiếp sang Thái Lan. Lên Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum, cũng chỉ trong ngày chúng ta đã có thể qua tận thủ phủ phía Nam của Lào là Pak Sé, rồi tiếp tục sang Ubon, Thái Lan.

Có lẽ bây giờ đã không còn khái niệm bến xe liên tỉnh hay bến xe huyện nữa, bởi thực tế hầu như huyện, thị xã nào ở Gia Lai cũng có tuyến xe đường dài liên tỉnh. Tại huyện Ia Grai có xe đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả đi huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa); tại thị xã Ayun Pa có xe đi TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), TP. Quy Nhơn, TP. Đà Nẵng; tận huyện Krông Pa cũng có xe đi Thái Bình... Hầu hết các xe chạy tuyến đường dài đều là xe giường nằm, chạy ban đêm. Tối khách lên xe, sáng sau đã có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, còn nếu đi Hà Nội thì chiều hôm sau là đến...

Đối với tuyến hàng không cũng có sự phát triển nhanh. Từ chỗ chỉ cho phép các loại máy bay nhỏ như ATR 72 hạ cánh, sau khi được nâng cấp hiện nay Sân bay Pleiku đã có thể đón các máy bay trọng tải lớn như A320, nối Pleiku với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với tần suất 3-4 chuyến trong ngày. Các hãng hàng không trong nước như Việt Nam Airlines, Viet JetAir đều có tuyến bay đến Sân bay Pleiku. Tuy vậy mạng nội địa vẫn còn nhiều tuyến chưa mở đáp ứng yêu cầu đi lại của hành khách như: Pleiku-Vinh, Pleiku-Hải Phòng, Pleiku-Thanh Hóa...

Các tuyến đường đi xa thì vậy nhưng gần thì vẫn có... chuyện đáng nói. Đó là hầu như các con đường nhỏ, đường hẻm nội thành đều bị xuống cấp đã lâu. Đơn cử như: đường Ngô Gia Khảm và Lương Định Của nối từ đường Trường Chinh sang Nguyễn Viết Xuân; con hẻm dài hơn 2 km nối từ đường Lê Duẩn sang Ngô Thì Nhậm; đường Nguyễn Trung Trực nối từ đường Sư Vạn Hạnh sang Lê Thánh Tôn và cả bản thân con đường Sư Vạn Hạnh ai có dịp đi qua cũng có thể ngấm nỗi truân chuyên cùng các con đường nhỏ nối đường Đinh Tiên Hoàng sang Lý Thái Tổ, các con đường xương cá của đường Cách Mạng Tháng Tám...

Kinh phí xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông, đặc biệt là đường bê tông nhựa tốn trên cả tỷ đồng cho 1 km, do vậy hiện trạng nhiều tuyến đường nội thành ở Pleiku cũng như các huyện, thị xã trong tỉnh chưa được sửa chữa, nâng cấp là chuyện hiển nhiên bởi ngân sách các địa phương không thể cùng lúc kham nổi. Những năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường hẻm trong phố, đường giao thông nông thôn đã được đầu tư song chỉ mới giải quyết được phần nào nhu cầu. Do vậy đến nay vẫn còn nhiều con đường phải mang trên mình những ổ gà, ổ voi, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Gia Lai vốn không có tuyến đường sắt và đường thủy, đi lại chủ yếu là đường hàng không và đường bộ nên khi nào khắc phục được những hạn chế nêu trên điều đó có nghĩa là hệ thống giao thông ở Gia Lai đã được đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển tương ứng.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm