Thời sự - Bình luận

Giáo viên bỏ việc vì lương không đủ sống là chuyện đương nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022, đây là con số đáng báo động và nguy cơ hơn là khả năng có nhiều giáo viên bỏ nghề trong thời gian tới.
Giáo viên hiện phải đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Giáo viên hiện phải đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Bởi vì, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và bỏ việc, trong đó số lượng giáo viên bỏ việc lên tới gần 9.300 người.

Đã có nhiều bàn luận, phân tích nguyên nhân về hiện tượng này, căn bản nhất là lương quá thấp. Lương giáo viên mầm non mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi lương một công nhân lại được 7-8 triệu đồng.

Ai cũng biết, với mức thu nhập này, không thể đủ để sống cho dù ở mức sinh hoạt thấp nhất, vậy thì giáo viên sẵn sàng bỏ nghề khi họ tìm được công việc có thu nhập cao hơn.

Trên đây chỉ là ví dụ đối với giáo viên mầm non, nhưng giáo viên ở các cấp khác cũng có hoàn cảnh tương tự, vì chính sách lương cho giáo viên chỉ đến mức sống trung bình. Chỉ những giáo viên dạy những môn "hot" mới có thu nhập cao hơn nhờ dạy thêm.

Lương thấp, nhưng áp lực của công việc của nghề giáo viên rất cao. Ngoài việc dạy trên lớp, còn soạn bài, chấm bài, đánh giá chất lượng học sinh và làm nhiều việc khác theo quy định của nhà trường. Giáo viên tốn rất nhiều thời gian cho họp tổ, họp nhóm, họp trường, rồi hội thi, dự giờ, các loại hội họp này chiếm nhiều giờ hơn giờ dạy.

Còn nữa, rất nhiều đòi hỏi từ phía xã hội đối với nhà trường, chỉ cần một vụ bạo lực học đường là trăm chuyện đều đổ lên đầu thầy cô giáo. Còn những áp lực khác như thành tích học tập của học sinh, thành tích của nhà trường, tất cả đều là gánh nặng cho giáo viên.

Việc nhiều, áp lực cao, trách nhiệm nặng nề, nhưng đồng lương không đủ để yên tâm làm việc, vậy thì họ phải tìm cho họ nơi có thu nhập cao hơn, đó là lý do đương nhiên của đời sống.

Muốn ngăn chặn làn sóng giáo viên bỏ việc, cần phải có giải pháp kịp thời về thu nhập, tăng lương và phụ cấp đứng lớp đúng với công sức của người thầy. Cùng với tăng lương, là cải cách hành chính trong ngành giáo dục, bỏ bớt những việc không cần thiết, giảm áp lực cho giáo viên.

Về lâu dài, chính sách tiền lương phù hợp là yếu tố quan trọng thu hút nguồn nhân lực cho ngành Sư phạm, tăng giá trị nghề nghiệp cho ngành này. Đồng lương phải thực sự là động lực để giới trẻ đến với ngành Sư phạm, có lý tưởng nghề nghiệp, không phải vất vả vì lo chuyện cơm áo.

Có thể bạn quan tâm