Xã hội

Giấy xác nhận hôn nhân phải ghi tên người dự định đăng ký kết hôn, có hạn chế quyền công dân?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có bất kỳ trở ngại, hạn chế nào đối với cá nhân về các quyền nhân thân cơ bản vừa nêu mà ngược lại, có thể hạn chế việc trục lợi trong hôn nhân và gia đình của một số cá nhân cá biệt.
 


Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 04 quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (sau đây gọi là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch; việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đăng ký hộ tịch; trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con và một số việc hộ tịch khác; việc đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử lưu động; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16-7-2020.

Nhiều người cho rằng quy định: "…Trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn" trong Thông tư 04 đã làm hạn chế quyền của người dân, ảnh hưởng đến bí mật đời tư công dân…

Về ý kiến hạn chế quyền công dân, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam cho biết nói đến quyền của cá nhân là nói đến quyền nhân thân được quy định trong Bộ Luật Dân sự, là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Quyền nhân thân có các quyền cơ bản như: Quyền có họ, tên, quyền thay đổi họ, quyền thay đổi tên; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Trong đó, hai quyền đang có liên quan đến vấn đề đang được bàn thảo là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, và quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Thế nên, việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn) không có bất kỳ trở ngại, hạn chế nào đối với cá nhân về các quyền nhân thân cơ bản vừa nêu mà ngược lại, có thể hạn chế việc trục lợi trong hôn nhân và gia đình của một số cá nhân cá biệt.

 

 Giấy chứng nhận kết hôn
Giấy chứng nhận kết hôn


Về ý kiến ảnh hưởng đến bí mật đời tư công dân, ông Nguyễn Vinh Huy cho rằng vấn đề này cũng có quan điểm trái chiều và có thể có ảnh hưởng đến một vài trường hợp đặc biệt trong xã hội như những người nổi tiếng trong làng giải trí, những chính trị gia, những người giàu có trong xã hội… nhóm người này có thể tự bảo vệ mình bằng cách cẩn trọng hơn trong các tiếp xúc xã hội bao gồm cả việc họ quen biết ai, kết hôn với người nào; con cái, cha mẹ, người thân của họ là ai.

Họ hạn chế tiết lộ những thông tin này ra bên ngoài vì họ lo sợ bị phiền nhiễu đời tư, vì vấn đề an ninh, an toàn của gia đình họ. Vì thế, việc họ kết hôn với ai, danh tính ra sao, thậm chí địa điểm tổ chức tiệc cưới đối với họ cũng cần được giữ bí mật. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn) là xâm phạm đến đời tư cá nhân của công dân.

Vì việc kết hôn là bao gồm cả tình và lý, tình là về mặt tình cảm, về quan hệ trong gia đình và xã hội, việc gia đình hai họ có thêm người là điều "hỷ", là niềm vui và đa phần mọi người đều muốn "khoe" một nữa của mình, muốn có một đám cưới rộn ràng, vui tươi, một cuộc sống gia đình ấm êm, viên mãn để rạng danh với đời. Về lý, là có sự can thiệp, điều chỉnh của pháp luật, để tạo ra một trật tự, một chuẩn mực trong đời sống hôn nhân gia đình và các quan hệ dân sự khác như về thừa kế, về quyền tài sản...

Không chỉ có pháp luật, đời sống xã hội tác động, quy định những luật lệ để điều chỉnh, quản lý những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình mà ngay cả đời sống tín ngưỡng xã hội cũng xem trọng chuẩn mực đạo đức trong quan hệ hôn nhân. Ví như, trong đạo Thiên Chúa Giáo có quy định một số vấn đề liên quan đến việc kết hôn, trước khi đôi nam nữ được cử hành hôn lễ trên thánh đường thì họ phải kinh qua lớp học giáo lý hôn nhân, và trước ngày cưới, nhà thờ nơi tổ chức lễ cưới của họ sẽ thực hiện một "thủ tục" gọi là "rao hôn phối" vào ba ngày chủ nhật trước ngày cưới của họ.

Thủ tục "rao hôn phối" được xem là tương đồng với quy định niêm yết hoặc công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử quốc gia của pháp luật xã hội. Ví dụ về việc "rao hôn phối", trước buổi lễ ngày chủ nhật làm "thủ tục rao hôn phối", người của nhà thờ đọc phát thanh trên loa: "Bên nam, Giuse Nguyễn Văn A hiện cư trú tại… kết hôn với bên nữ, Maria Nguyễn Thị C, cư trú tại…đôi nam nữ vừa nêu tên có vấn đề gì trở ngại về kết hôn xin cộng đồng giáo dân trình báo".

Tóm lại, những nội dung trình bày ở trên ít nhiều cũng thể hiện quan điểm ủng hộ đối quy định tại Thông tư số 04, cả đạo và đời đều xem trọng những quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức liên quan đến chế định hôn nhân và gia đình. Việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn) là không dư thừa, không hạn chế quyền dân sự của cá nhân, không xâm phạm đời tư của công dân mà quy định nêu trên là khung pháp lý cho cơ quan quản lý hộ tịch làm cơ sở giải quyết những vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, văn minh.

Theo Trường Hoàng ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm