Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Gìn giữ truyền thống bằng hương ước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hương ước được xem như di sản văn hóa, góp phần gìn giữ các giá trị truyền thống và cùng với hệ thống pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội để cộng đồng làng phát triển bền vững. 
“Gốc rễ” của làng
“Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương/Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước/Bảo vệ cuộc sống của lũ làng…”. Bên ghè rượu cần nồng ấm, già làng Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro) đọc vang những câu này khi mở đầu câu chuyện nhắc nhớ lại bước tiến dài từ luật tục của làng đến bản hương ước ngày hôm nay.
Ông Đinh Keo kể rằng, bảo vệ rừng là một trong những quy ước nằm trong luật tục bao đời của làng Pyang, nay vẫn được đưa vào hương ước. Các tộc người bản địa đều có luật tục riêng, đó là những quy ước gắn liền với phong tục tập quán của họ để điều chỉnh các mối quan hệ. Khi xây dựng hương ước, dân làng lựa chọn, kế thừa những yếu tố tích cực của luật tục để đưa vào.
Theo già làng Đinh Keo, hơn 20 năm trước, khi bắt đầu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chính quyền địa phương đã hướng dẫn làng đưa những điều hay, lẽ phải từ luật tục vào hương ước. “Cũng như luật tục, bản hương ước của làng nêu rõ, người Bahnar phải biết dệt vải, đánh chiêng, phải cùng nhau chăm chỉ lên nương rẫy và cùng đoàn kết, biết nghe Đảng, nghe chính quyền và rời xa bọn xấu. Những khuôn phép ấy đã tạo nên lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng nên không ai phản đối”-ông Đinh Keo khẳng định.
 Già làng Hmrik giới thiệu bản hương ước của làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Già làng Hmrik giới thiệu bản hương ước của làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Khi đảm nhiệm vai trò già làng, hàng năm, ông cùng Trưởng thôn họp bà con để soạn thảo hương ước phù hợp với điều kiện của làng. Ông cũng đi đến từng nhà vận động người dân tự giác chấp hành hương ước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Người nào làm trái với hương ước sẽ bị làng phạt. Một vài người sau khi bị phạt đều hối lỗi và hổ thẹn. Đối với người Bahnar chúng tôi, vì không muốn đem tiếng xấu cho làng nên mọi người đều cố gắng làm theo hương ước và bảo vệ những cái hay, cái đẹp của làng”-anh Đinh Duan (làng Pyang) nói.
Với người Jrai, giọt nước là không gian sinh hoạt chung của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng theo luật tục truyền thống. Trong hương ước của làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), quy ước này vẫn được đưa vào. Nhờ đó, khu vực giọt nước của làng luôn được giữ gìn sạch sẽ. 
Già làng Hmrik tự hào là người có uy tín tham gia soạn thảo hương ước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh Trần Dung
Già làng Hmrik tự hào là người có uy tín tham gia soạn thảo hương ước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung
Theo già làng Hmrik, hương ước được xây dựng dựa trên cơ sở luật tục. Bản hương ước của làng Ia Nueng gồm 10 điều quy định các nội dung như: phát triển kinh tế; bảo vệ công trình công cộng; văn hóa-xã hội; bảo vệ và phát triển rừng… Dẫn chúng tôi tham quan làng, ông Hmrik phấn khởi cho hay: “Làng có 225 hộ và chỉ còn 5 hộ nghèo. Ia Nueng cũng là làng đầu tiên của xã được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019. Có được những thành quả đó một phần là nhờ dân làng luôn tuân thủ theo hương ước”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 hương ước, quy ước đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện. Nhiều hương ước, quy ước ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã kết hợp hài hòa giữa luật tục truyền thống với pháp luật của Nhà nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Nói về vai trò của hương ước, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho rằng: Toàn thành phố có 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 43 làng dân tộc thiểu số). Tất cả đều có hương ước với các quy định phù hợp thực tế và bản sắc văn hóa dân tộc, dựa trên những quy định của pháp luật. Các quy định trong hương ước không còn bóng dáng của những tập tục lạc hậu. Hầu hết hình thức xử phạt đều đem đến sự hòa giải và đoàn kết trong cộng đồng.


Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Ở tuổi 80, ông Ralan Hnêng (làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) vẫn còn nhớ về những đứa con phải chôn theo mẹ khi mới chào đời; những người bị trói giữa rừng sâu đến chết do dân làng nghi là ma lai; những người mắc bệnh phong bị đuổi vào núi sống như con thú hoang… Ông bảo, mình muốn quên đi những hủ tục nặng nề ấy. Và khi làng xây dựng hương ước, những hủ tục đã bị loại bỏ.
“Cuộc sống của chúng tôi như bừng sáng hẳn bởi hương ước xây dựng được nếp sống văn minh. Người dân trong làng cũng có trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhất là văn hóa cồng chiêng. Những nghệ nhân trong làng đã truyền nghề cho con cháu để văn hóa dân tộc không bị mai một”-ông Ralan Hnêng chia sẻ.
Gìa làng Ralan Hnêng (làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cùng hệ thống chính trị làng họp bàn đưa ra các quy định về hương ước . Ảnh Trần Dung
Già làng Ralan Hnêng (làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cùng hệ thống chính trị làng họp bàn đưa ra các quy định về hương ước. Ảnh: Trần Dung
Còn theo Bí thư Chi bộ làng Yon Tok-ông Ralan Khuyn thì: “Những giá trị văn hóa của người Jrai được lưu giữ là nhờ người dân nghiêm túc thực hiện những quy định trong hương ước của làng. Hàng tháng, chúng tôi tổ chức họp làng vào ngày 5 theo quy định. Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa”.
Việc thực hiện hương ước làng đã góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. “Hương ước của làng dần đã gạt bỏ được những cái không phù hợp, bảo vệ dân làng tránh xa những điều xấu. Hương ước cũng thể hiện sự dân chủ trong việc giải quyết các công việc nội bộ cộng đồng dân cư; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng”-ông Siu Lý (làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) khẳng định.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm