Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Gìn giữ văn hóa truyền thống trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đưa nội dung gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, học sinh nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng trường học thân thiện.

Liên đội Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vừa ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học” với 12 thành viên, cô Nguyễn Thị Loan-giáo viên Tổng phụ trách Đội làm chủ nhiệm CLB.

CLB “Bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học hòa tấu nhạc cụ dân tộc” hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: M.N
CLB “Bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học hòa tấu nhạc cụ dân tộc” hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: M.N

Tại lễ ra mắt, các thành viên của CLB tự tin trình diễn cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và ngân vang bài dân ca một cách thuần thục. Dưới sân khấu, các học sinh dân tộc Jrai, Kinh chăm chú lắng nghe và dành những tràng pháo tay cổ vũ. Em Yĩu (lớp 9/1)-thành viên của CLB chia sẻ: “Em rất tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên học cách đánh nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Việc tham gia CLB giúp em có cơ hội tập luyện cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc nhiều hơn”.

CLB gồm 12 thành viên là học sinh các khối lớp khác nhau. Để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, Liên đội đã kết nối với anh Hyơm-là người đánh chiêng giỏi ở làng Tiêng 2 (xã Tân Sơn) hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên.

CLB sẽ sinh hoạt vào chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần; địa điểm sinh hoạt có thể ở phòng sinh hoạt Đội, sân trường. Dù mới ra mắt, nhưng các thành viên của CLB rất hào hứng tham gia luyện tập, các em học sinh người Kinh cũng háo hức theo dõi các bạn trình diễn.

Chị Nguyễn Thị Loan-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Lợi cho biết: “Trường có 385 học sinh, trong đó có 90 học sinh dân tộc thiểu số. Việc thành lập CLB giúp học sinh phát huy được sở trường ca hát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Đồng thời, tạo cho học sinh một sân chơi lành mạnh, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui. CLB sẽ nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia”.

Em H'Ren-thành viên “Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học” của Trường THCS Lê Lợi hát dân ca Ru em. Ảnh: M.N
Em H'Ren-thành viên “Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Gia Lai trong trường học” của Trường THCS Lê Lợi hát dân ca Ru em. Ảnh: M.N

Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai có 149 học sinh dân tộc thiểu số: Jrai, Bahnar, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, H’mông. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Vào sáng thứ 2 hàng tuần hay các ngày lễ lớn trong năm, học sinh trong trường đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Quy định này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay.

Đồng thời, Liên đội trường thường xuyên tổ chức hội thi trình diễn văn hóa dân tộc, ngày hội văn hóa dân tộc, tìm hiểu các công cụ lao động của các dân tộc thiểu số, ngày hội vẽ tranh với chủ đề “Văn hóa truyền thống”… Trong đó, Ngày hội văn hóa dân tộc do Liên đội tổ chức đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Tại ngày hội, các em học sinh được xem các nghệ nhân tạc tượng gỗ và dựng cây nêu. Học sinh cùng nắm tay nhau nhảy sạp, trình diễn cồng chiêng. Học sinh cũng tự tay thực hiện các món ăn truyền thống của dân tộc mình như: cơm lam, gà nướng, xôi ngũ sắc, bánh lá… để giới thiệu đến mọi người.

Em Đinh Thị Lan Ni-Liên đội phó Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai cho biết: “Thông qua các hoạt động, em có cơ hội giới thiệu nét truyền thống đặc trưng của dân tộc Bahnar; đồng thời hiểu thêm nét văn hóa của các dân tộc khác do các bạn cùng trường giới thiệu”.

Chị Trần Thị Kim Loan-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai bày tỏ: “Mỗi dân tộc đều có truyền thống, nét văn hóa đặc trưng. Trường luôn tạo điều kiện để các em học sinh giao lưu, trải nghiệm các hoạt động bảo tồn văn hóa để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc”.

Các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai tham gia hoạt động vẽ tranh với chủ đề “Văn hóa truyền thống”. Ảnh: M.N
Các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai tham gia hoạt động vẽ tranh với chủ đề “Văn hóa truyền thống”. Ảnh: M.N

Năm học 2023-2024, Hội đồng Đội tỉnh đặt ra chỉ tiêu: 100% Hội đồng Đội cấp huyện duy trì mô hình hoặc CLB thiếu nhi tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc của địa phương và tham gia Liên hoan thiếu nhi Gia Lai với văn hóa dân tộc. Hiện tại, 17/17 Hội đồng Đội cấp huyện đã thành lập và duy trì ít nhất 1 mô hình hoặc CLB thiếu nhi tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Cùng với đó, nhiều trường học đã mời nghệ nhân về truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Tỉnh Đoàn cũng kết nối nguồn lực trao tặng 1 bộ cồng chiêng trị giá 80 triệu đồng cho Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê.

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Tùy theo điều kiện thực tế, các Liên đội chủ động, có những cách làm phù hợp trong triển khai hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống ở trường học. Trong đó, chú trọng việc bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc, giúp học sinh biết trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ trên ghế nhà trường. Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp thường xuyên chia sẻ, giới thiệu những mô hình hay trong bảo tồn văn hóa truyền thống để tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm