Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Giới nghiên cứu Trung Quốc nhận định gì về khả năng Bắc Kinh lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một viện nghiên cứu và giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nếu tình hình thay đổi.

Máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc đại lục thường xuyên bay vào ADIZ của Đài Loan - Ảnh chụp màn hình DefPost
Máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc đại lục thường xuyên bay vào ADIZ của Đài Loan - Ảnh chụp màn hình DefPost



Tờ South China Morning Post ngày 25.11 dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến Minh bạch tình hình chiến lược Nam Hải (SCSPI) của Trung Quốc và giới phân tích cho rằng ít có khả năng nước này tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhưng có thể tuyên bố nếu tình hình thay đổi.

Trong báo cáo mới đưa ra, SCSPI khẳng định rằng quan niệm của cộng đồng quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở vùng biển tranh chấp, như tại biển Hoa Đông cách đây 7 năm, là “sự diễn giải sai và phỏng đoán”.

Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng ngay cả khi Mỹ gia tăng hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực trong vài năm qua, Trung Quốc cũng không có nhu cầu phải đáp trả bằng cách tuyên bố ADIZ.

Theo đó, so với tình trạng không có đủ thông tin bay ở không phận trên biển Hoa Đông thì toàn bộ Biển Đông được kiểm soát bởi các hệ thống hàng không dân dụng của Trung Quốc ở Hồng Kông và đảo Hải Nam. Do đó, hệ thống đủ để hỗ trợ nhận diện các mục tiêu phòng không và không cần lập ADIZ trong khu vực.

Tuy nhiên, báo cáo ngang ngược nhận định rằng vẫn có khả năng Trung Quốc lập ADIZ tại không phận trên quần đảo Trường Sa – quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam – nhằm giúp quân đội Trung Quốc xác định các hoạt động hàng không dân dụng nếu các máy bay nước ngoài tiếp tục muốn tiến đến không phận ngoài tầm phủ của các hệ thống ở Hồng Kông và Nam Hải.

Theo một nguồn tin quân đội Trung Quốc, các tổ chức nghiên cứu và chiến lược gia tại Bắc Kinh đã và đang lên kế hoạch lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010, cùng thời điểm bắt đầu hoạch định ADIZ ở biển Hoa Đông, nhưng đề xuất bị giữ lại cho đến nay.

Tình hình Biển Đông rất khác và phức tạp hơn biển Hoa Đông, nơi chỉ có tranh chấp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo nguồn tin.

Theo đó, Trung Quốc không muốn nhiều láng giềng Đông Nam Á tức giận, trong khi quân đội Trung Quốc giờ đây nhận ra rằng lợi ích quốc gia của nước này không bị ảnh hưởng nếu các tàu chiến, máy bay Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở không phận, hải phận quốc tế ở Biển Đông.

Theo KHÁNH AN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm