Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giới thiệu hình ảnh thân thiện và gần gũi cho thổ cẩm Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2, năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24-29/11 tại tỉnh Đắk Nông với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đặc biệt tôn vinh giá trị của thổ cẩm Việt trong cuộc sống đương đại.
 

Hiện nay, xã viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, tỉnh Đắk Nông, đều biết dệt may thành thạo các sản phẩm như y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)
Hiện nay, xã viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, tỉnh Đắk Nông, đều biết dệt may thành thạo các sản phẩm như y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em. (Ảnh: TTXVN phát)



Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai, năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24-29/11 tại tỉnh Đắk Nông với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đặc biệt tôn vinh giá trị của thổ cẩm Việt trong cuộc sống đương đại.

Nữ kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy, người thiết kế Cầu Vàng ở Đà Nẵng và đường hoa Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tiến hành thiết kế không gian tổng thể cho lễ hội lần này.

Chị Phạm Thị Ái Thủy chia sẻ: Khi đến với Đắk Nông, chị thực sự thấy đây là một vùng đất tuyệt đẹp với địa hình nhiều hồ, có cả núi lửa. Chị đã hình thành ý tưởng thiết kế độc đáo với mong muốn hình ảnh của lễ hội thổ cẩm thực sự phải là "đại sứ thương hiệu," lan tỏa hình ảnh của Đắk Nông đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Với mong muốn đó, khi phác thảo những nét vẽ đầu tiên, nữ kiến trúc sư đã dựa theo câu chuyện về vùng đất những thanh âm, với những màu sắc của đá, cây xanh, thổ cẩm. Từ đó, chị tạo nên hình ảnh đặc sắc, độc đáo tại các khu vực diễn ra lễ hội, điểm nhấn là toàn bộ các tên gọi, gian hàng, sân khấu... đều đảm bảo tiêu chí mọi người có thể check-in và ghi lại những hình ảnh, chất liệu thổ cẩm một cách gần gũi, thân thiện nhất ở mọi lúc, mọi nơi trong lễ hội.

Toàn bộ các hình ảnh nền, trang trí, sân khấu... của lễ hội thổ cẩm đều được thiết kế từ những hình ảnh căn bản nhất là hình tròn và vuông. Nữ kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy chia sẻ: Hình tròn tượng trưng cho bầu trời, hình vuông tượng trưng cho đất. Nên chị chọn hình tròn-vuông là chủ đạo cho lễ hội thổ cẩm là hướng tới ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, đầm ấm, cầu mong những điều tốt lành cho cộng đồng các dân tộc.

Cốt lõi của vấn đề đã tạo nên cảm hứng, giúp chị toàn tâm toàn ý sáng tác để tạo ra các sản phẩm luôn luôn sử dụng tất cả những nét tròn, vuông, nói lên triết lý sâu xa nhất của đường nét thổ cẩm, thu hút mọi người cùng chia sẻ.

Chỉ khi có sự quan tâm, tham gia chia sẻ của cộng đồng thì những hình ảnh này mới “sống,” chúng không chỉ đơn thuần là những dải lụa màu mà là hình ảnh, đường nét được phối kết lại với nhau từ những hình ảnh giản dị nhưng lại góp phần làm nên điểm nhấn cho Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai.

Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Lễ hội văn hóa và du lịch-Tinh hoa phương Đông”.

Thông qua lễ hội này, Ban tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Đắk Nông với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống độc đáo, tiềm năng phát triển du lịch đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Đặc biệt, đây là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, định hướng để thổ cẩm phát triển thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông nói riêng.

Trước đây, dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông là nghề thủ công truyền thống, được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon, buôn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông các hoạt động dệt thổ cẩm vẫn được duy trì để phục vụ cuộc sống hàng ngày và thu hút khách du lịch.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm