Khi nghe một người nói "định mệnh", "đậu xanh" mà bạn biết ngay nghĩa chính xác của từ đó và ý người đó muốn diễn đạt - tức là chửi thề đã thành "quen tai" từ mạng xã hội cho đến đời thực rồi đấy.
"Bạn bè thân thiết thì nói bậy với nhau rất vui" - Ảnh minh họa: LÊ HOÀNG ANH |
Miễn nhiễm với chửi bậy rồi?!
Dường như bây giờ ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu nói tục chửi thề ở bất cứ đâu. Người thường xuyên sử dụng phần đông là các bạn trẻ, thậm chí cả các bạn nhỏ. Không chỉ các bạn nam, mà nhiều bạn nữ cũng hưởng ứng "phong trào" này một cách nhiệt tình.
Cách nói cũng không thẳng, sổ toẹt ra như trước, mà được biến tướng theo nhiều cách. Những cụm từ như "v*", "đm*", "sm*", "tđ*" cũng chẳng còn quá xa lạ trên mạng xã hội. Một fanpage trên Facebook có tên Chửi thuê chuyên dùng những câu chửi thề có tới hơn 2 triệu lượt thích và theo dõi. Mỗi bài viết có đến hàng chục ngàn lượt thích, và hàng trăm lượt chia sẻ.
Khi được hỏi quan điểm về hiện tượng này trong giới trẻ, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Vũ Trọng Tài (19 tuổi): "Nói bậy vui mà. Con trai có ai không nói bậy? Trong phim Hollywood cũng chử thề đầy ra. Nhưng mà chỉ nên nói tục với bạn thân hoặc khi cãi nhau thôi".
Vũ Kiều Trang (20 tuổi): "Em không nói bậy. Mọi người nói là quyền của họ, nhưng nếu bậy quá thì em không thích".
Trần Thị Hương Giang (22 tuổi): "Trước đây tôi ghét nói bậy lắm, mà giờ nghe nhiều quá nên miễn nhiễm rồi, không quan tâm nữa".
Lê Hoàng Anh (23 tuổi): "Nói tục, chửi thề cũng tùy từng người và từng thời điểm. Nếu là bạn bè thân thiết, nói bậy với nhau rất vui, càng thân lại càng nói bậy. Còn những người gặp ai cũng nói bậy thì..."
Vũ Thị Hà (24 tuổi): "Tôi không ủng hộ, cũng không hẳn phản đối, vì việc này có thể chấp nhận ở một mức độ nào đó. Nhiều khi lên mạng, đọc các coment nói tục cũng thấy vui vui. Cái này còn tùy vào cảm nhận của từng người".
"Sao bọn trẻ nói tục nhiều thế?" là câu trả lời của đa số người lớn tuổi được hỏi.
Có thể thấy, kể cả trong những người ủng hộ, việc nói tục vô tội vạ cũng là khó chấp nhận.
Có thay đổi được không?
PGS Văn Như Cương từng nói về vấn đề này của học sinh: "Nói bậy, chửi thề có thể do các em thấy người xung quanh nói nhiều, lại không được ai nhắc nhở rằng việc đó là sai trái, nên cứ quen miệng học theo.
Nói tục, chửi bậy chắc chắn phản ánh một phần nào đó về văn hóa của mỗi người, nhưng không thể vì thế mà kết luận rằng các em có tư tưởng bệnh hoạn, thiếu đạo đức. Hiện tượng này là do thói quen đa phần không thuộc về bản chất, ý thức của các em học sinh".
Tuy nhiên, để bỏ hoàn toàn thói quen "dân dã" này là điều rất khó.
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân từng nói: "Xóa nói tục, chửi thề chỉ là ảo tưởng thuần túy mà thôi. Song chúng ta có thể đẩy lùi, thu hẹp và hạn chế nói tục, chửi thề tại một số không gian, trước hết là những nơi công cộng bằng cách khuyến nghị và xử phạt".
Còn theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, vấn đề cốt lõi không phải là đưa ra quy tắc rồi bắt người dân làm theo, không theo thì phạt, mà quan trọng phải là giáo dục lòng tự trọng con người - tức là nếu bản thân không muốn sửa thì chẳng cách nào có thể cứu vãn được.
Hương Giang (TTO)