Xã hội

Đời sống

Chung tay thúc đẩy bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.

Điều đó cho thấy vấn đề bình đẳng giới (BĐG), nam nữ bình quyền ở nước ta rất được quan tâm. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dần được xóa bỏ, phụ nữ được tạo điều kiện, trao cơ hội học tập, phát triển.

e73932b5-36a5-46d6-b8f2-b693ce895e4b.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng thị trấn Kbang (huyện Kbang) thường xuyên cập nhật, thông tin các chính sách về bình đẳng giới đến chị em phụ nữ. Ảnh: K.N

Năm 2023, chỉ số về BĐG của Việt Nam xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tháng 4-2024, Hội đồng Kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực xóa bỏ định kiến về giới, phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam.

Trên hành trình thúc đẩy BĐG ở Việt Nam phải kể đến việc thay đổi nhận thức và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật là Dự án 8 “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau 4 năm triển khai, có 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đề ra trong giai đoạn 1 như: “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Củng cố/thành lập mới địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Tỉnh Gia Lai cũng đã thành lập hơn 200 tổ truyền thông, địa chỉ tin cậy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 2.300 thành viên tham gia. Hàng chục câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập và duy trì; các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ được xây dựng và nhân rộng… Các ngành, đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, cấp phát tờ rơi về Luật BĐG, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ trước, trong và sau sinh. Nhờ đó, nhận thức của cộng đồng nói chung và của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng về BĐG ngày càng được nâng lên.

d7412693-b580-45e4-a04e-b961efff28e0.jpg
Phụ nữ ngày càng khẳng định tiếng nói, phát huy vai trò trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: K.N

Dù vậy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương, vẫn phải đối mặt với tình trạng bị bạo lực thể chất và tinh thần. Mặc dù bạo lực thể chất có chiều hướng giảm song trong cuộc sống hiện đại, họ lại phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực mới tinh vi hơn. Đặc biệt, khi công nghệ phát triển, phụ nữ và trẻ em gái đứng trước nguy cơ bị bạo lực như: thiết bị định vị, theo dõi, ghi âm, ghi hình, đăng nhập vào các thông tin và tài khoản mạng xã hội cá nhân nhằm kiểm soát và thao túng nạn nhân… Năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ. Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể là 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần với 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ... Mặc dù các chính sách và quy định pháp luật đã được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tương đối đầy đủ về công tác BĐG, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi các quy định này.

Để thúc đẩy BĐG một cách bền vững rất cần sự chung tay của toàn xã hội mà yếu tố tiên quyết là việc thay đổi, nâng cao nhận thức. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh và đa dạng hình thức truyền thông thì cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo các chính sách về BĐG thực sự đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần đẩy mạnh giáo dục về BĐG cho giới trẻ, nhất là đưa vào chương trình dạy và học trong nhà trường. Hơn hết, mỗi phụ nữ và trẻ em gái cần phải nhận thức được vai trò, vị thế của bản thân trong gia đình, xã hội; biết nhận diện bạo lực và sẵn sàng lên tiếng để được bảo vệ.

Có thể bạn quan tâm