Các lễ hội hóa thân nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, phim giả tưởng, game... với tên gọi cosplay tổ chức hằng tháng thu hút hàng trăm bạn trẻ từ khắp nơi. Trào lưu hóa thân đang là thú chơi thời thượng của giới trẻ Việt Nam ở các thành phố lớn.
Tường Vân tham gia lễ hội hóa trang tại TP. Hồ Chí Minh |
"Cosplay không nhất thiết phải giống hoàn toàn với nguyên mẫu trong truyện tranh, trong phim. Vẻ đẹp của nhân vật hóa thân đơn thuần là muốn được sống cùng nhân vật"-Bùi Nguyễn Tường Vân |
Để trở thành cosplay, người chơi chuẩn bị cho mình những bộ trang phục của nhân vật, các phụ kiện đi kèm và trang điểm kỹ lưỡng để nhập vai.
Nghề “ăn theo” cosplay cũng dần hình thành và tạo nên thu nhập cho không ít bạn trẻ.
Từ truyện tranh
đến hóa thân
Đam mê cosplay từ khi thú chơi này mới manh nha trong giới trẻ Sài Gòn, bạn Bùi Nguyễn Tường Vân (27 tuổi) cho biết những người khoác lên mình bộ trang phục rườm rà của các nhân vật hóa thân đều có chung niềm vui khi hóa thân vào nhân vật mình yêu thích.
Hình ảnh các nhân vật trong những cuốn truyện tranh, phim hoạt hình đã gắn với ký ức tuổi thơ của mỗi người nên khi lớn lên họ vẫn đọc sách, vẫn muốn hóa thân để sống cùng nhân vật đó, bất kể là nàng công chúa, chàng hoàng tử hay một cô hầu bàn.
Theo Tường Vân, trào lưu hóa thân dù lan tỏa ở nhiều nước với nhiều nhân vật nhưng các bạn trẻ VN vẫn chủ yếu chọn các nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản, số ít còn lại là truyện, game của một số nước lân cận.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây đã xuất hiện một số người hóa thân vào các nhân vật trong truyện cổ tích VN nhưng do không có hình mẫu cụ thể nên ít người đầu tư để hóa trang.
Theo Trần Minh Khoa (22 tuổi), để có một bộ trang phục ưng ý, người chơi phải chuẩn bị cả tháng từ đặt may áo quần, chuẩn bị phụ kiện, đặt mẫu tóc rồi phải đứng trước gương tập luyện sao cho vừa giống về ngoại hình lại giống về thần thái, cảm xúc của nhân vật.
Trung bình một năm sẽ có khoảng 20 lễ hội hóa trang lớn nhỏ được tổ chức ở nhiều địa điểm từ nhà hàng, sân vận động cho đến các trung tâm thương mại.
Không chỉ dừng lại ở sân chơi trong nước, cosplay VN hiện đã được quốc tế thừa nhận, vươn ra các sân chơi lớn khi nhiều bạn trẻ Việt ở Hà Nội và TP.HCM được mời trình diễn ở các lễ hội hóa thân quốc tế lớn tại Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hoặc “thánh đường” của cosplay là Nhật Bản...
Kiếm tiền từ cosplay
Theo chân con gái đến lễ hội hóa thân được tổ chức ở sân vận động Hoa Lư (TP.HCM), bà Lê Thị Hồng Nhung (44 tuổi, quận 12) tỷ mẫn buộc tóc, trang điểm cho con gái mình trở thành một nữ nhân vật trong truyền tranh.
“Lúc đầu tôi thấy “tào lao” quá nên tò mò đi xem con làm chi. Nhưng đi riết thấy tụi nó chơi lành mạnh, cũng là một cách giải trí sau giờ học hay nên tui đi để động viên con” - bà kể.
Không chỉ theo con đến những ngày hội, bà Nhung còn đi lùng sục vải, may phục trang và hai vợ chồng còn làm các phụ kiện chơi cho con.
Cosplay phát triển đã kéo theo những dịch vụ hái ra tiền phục vụ người chơi. Đó là những cửa hàng bán, cho thuê phụ kiện, trang phục cosplay hay dịch vụ chụp ảnh, trang điểm do các bạn học sinh, sinh viên và người chơi mở ra.
Đặc biệt, có những bạn trẻ bên cạnh niềm đam mê, đã học hỏi mày mò để trở thành người thợ chế tạo phụ kiện cho các nhân vật hóa thân.
Anh Đặng Duy Hải (32 tuổi, quận 1) đã trở thành thợ “cứng cựa” trong giới làm phụ kiện với thâm niên bảy năm trong nghề. Tại các lễ hội văn hóa Việt - Nhật, nhiều người trẻ đã mang các loại phụ kiện, áo quần cosplay do mình làm ra để bày bán, kiếm thêm thu nhập.
“Làm phụ kiện này rất khó, đòi hỏi phải tỉ mỉ mới tạo ra những sản phẩm đẹp. Tuy vất vả và tốn nhiều thời gian nhưng khi nhìn khách ưng ý với cái mình làm ra cũng thấy vui vì bên cạnh thu nhập là cả một niềm mê say với nhân vật hóa thân”-anh Hải chia sẻ.
Theo Tuoitre
Chớ xa rời thực tế Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP. HCM) cho biết trào lưu cosplay trên thế giới và ở VN là hình thức giải trí. Theo anh Khắc Hiếu, cosplay chỉ xấu khi hóa thân vào các nhân vật không lành mạnh, quá xa rời thực tế khiến chúng ta quá nhập tâm, hoặc cosplay làm chúng ta tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của bản thân. “Nếu điều kiện không đủ để thỏa mãn sở thích cosplay thì chúng ta nên dành sự ưu tiên cho gia đình, cho việc học, cho tương lai bởi đó là sự thiết thực và mang lại lợi ích cho gia đình và sự thành công của bản thân. Ngoài ra, mỗi người chơi phải giữ tính thực tế của mình để không sa đà, thoát ra khỏi các nhân vật hóa thân” - tiến sĩ Khắc Hiếu nói.
|