Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Giọng điệu" khác của hội họa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không lạ trong giới trong hội họa, song những năm gần đây, tranh sơn khắc mới được một số họa sĩ Phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) chọn thể nghiệm. Và lạ thay, thể loại tranh này đã chuyển tải thật sắc nét vẻ hoang sơ, thô mộc đặc trưng của một vùng sơn nguyên. “Giọng điệu” khác biệt ấy còn kể lại những câu chuyện của đời sống hôm nay một cách đầy cuốn hút.
1. Thành công không ít với tranh lụa và sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Văn Chung bắt đầu “mối tình” với tranh sơn khắc từ năm 2014. Chỉ với 1 bức ván MDF tùy kích cỡ đã được xử lý chống mốc, anh đã có thể bắt tay vào sáng tạo. Đầu tiên là phủ sơn đen hoặc đỏ, sau đó lên chủ đề, ý tưởng cho tác phẩm. Chạy sột soạt trên gỗ không phải là những chiếc cọ, thay vào đó là nhiều chiếc dao khắc lớn nhỏ. Từng đường nét, mảng khối, hình ảnh cứ thế hiện lên sống động.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung miệt mài sáng tạo một bức tranh sơn khắc. Ảnh: Phương Duyên
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung miệt mài sáng tạo một bức tranh sơn khắc. Ảnh: Phương Duyên
Càng nhìn ngắm tranh sơn khắc, càng nhận ra đây là nghệ thuật của sự tối giản với 2 màu đen-trắng hoặc đen-đỏ. Những mảng màu đối lập rõ nét ấy hóa ra rất phù hợp với chủ đề Tây Nguyên vốn thô mộc, dung dị mà đầy sức sống. Trong tranh Nguyễn Văn Chung, có lẽ chưa ở đâu nếp thời gian lại hằn rõ đến thế, ưu tư sâu xa đến thế ở bức “Trăn trở Tây Nguyên” khắc họa chân dung 3 già làng với những biểu cảm khác nhau.
Và dường như với thể loại này, anh mới có thể lột tả chân thực một cao nguyên cháy nắng, khô khát thông qua hình ảnh người phụ nữ luống tuổi giơ tay cầu cứu bên chiếc gùi trơ trọi và bầu nước vỡ toác, đất xung quanh khô nẻ từng mảng (“Khát”, giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực V năm 2016; tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020). Những trăn trở được-mất cũng bật lên qua tiếng kêu thảng thốt “Rừng ơi!” khi mặt đất chỉ còn những gốc cây nham nhở hướng lên vòm trời trơ trụi.
Tác phẩm “Trăn trở Tây Nguyên” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.
Tác phẩm “Trăn trở Tây Nguyên” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.
Một tác phẩm khác cũng giúp anh ghi dấu ấn với công chúng là “Sức sống đại ngàn”, đạt giải tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2014; được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Trên nền sơn khắc đỏ-đen, họa sĩ đã làm bừng lên sắc màu mẫu hệ đầy mê hoặc, ấm áp-một đặc trưng khó lẫn của xứ sở cao nguyên.
Nói về cái khó trong sáng tạo tranh sơn khắc, anh Nguyễn Văn Chung chia sẻ: Khi khắc phải hết sức cẩn thận từng đường nét, nếu không sẽ “bay” luôn các mảng, khối đã lên ý tưởng. Với những bức có khổ nhỏ (70x70 cm), nếu tập trung thì chỉ cần khoảng 1 ngày là xong; những bức lớn hơn có khi mất cả tuần. Nhìn anh lặng lẽ khắc từng đường dao tỉ mẩn, càng thấy quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ mê say và nghiêm túc là như thế nào. Dường như chuyện áo cơm đã hoàn toàn lùi lại phía sau, nhường chỗ cho sự đam mê không gì thay thế nổi.
Tác phẩm “Ngày dài” của họa sĩ Võ Văn Tiếng.
Tác phẩm “Ngày dài” của họa sĩ Võ Văn Tiếng.
2. Cũng bị cuốn vào thể loại tranh sơn khắc là họa sĩ Võ Văn Tiếng. Anh đến với dòng tranh này khá tình cờ. Đôi lần cầm dao khắc trên ván gỗ, anh lập tức bị thu hút bởi những đường nét lạ lẫm cùng những mảng, khối sinh động.
Năm 2015, bức “Vào hội” được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên. Với cảm hứng về nơi mình sinh sống, anh đã thể hiện trọn vẹn nét đẹp đắm đuối của vùng đất lễ hội với nhịp chiêng trầm hùng, vòng xoang uyển chuyển. Những tác phẩm khác như “Hồn núi”, “Chờ mưa”, “Giao cảm”… cũng khiến người xem phải dừng mắt thật lâu.
Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là không chấp nhận lối mòn và sự lặp lại. Nhận thấy nhiều bậc đàn anh đã thể hiện thành công mảng đề tài về Tây Nguyên, họa sĩ Võ Văn Tiếng quyết định tìm hướng đi mới ở mảng đề tài xã hội.
Tác phẩm “Bên đường” của họa sĩ Võ Văn Tiếng.
Tác phẩm “Bên đường” của họa sĩ Võ Văn Tiếng.
Rất thật, rất đời là cảm nhận của người thưởng lãm khi ngắm bức “Bên đường” của anh tại Triển lãm Mỹ thuật toàn tỉnh năm 2020. Bức tranh sơn khắc tổng hợp (in, sơn, khắc) khổ 80x120 cm đã thể hiện thành công nỗi nhọc nhằn mưu sinh của những người chạy xe ôm trong thời buổi công nghệ. Ở một góc phố nhỏ dán chằng chịt tờ rơi quảng cáo, mấy anh xe ôm uể oải nằm dài trên yên xe, mũ úp mặt trong khi chờ khách. Có chút gì đó ngậm ngùi, hoang hoải, xa vắng. Những mảng màu đối lập của tranh sơn khắc phản ánh thật đầy đủ sự khắc nghiệt của đời sống.
Cũng với chủ đề này, bức “Ngày dài” đã được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, khẳng định hướng đi đúng của họa sĩ Võ Văn Tiếng khi chọn dòng tranh này để thể hiện đề tài xã hội, vô ngôn nhưng đầy chất tự sự.
“Khó nhất là khâu phác thảo, phải tính toán kỹ từng nét, từng mảng một. “Dao pháp” phải vững, nếu sai thì rất khó sửa. Vì vậy, trước khi bắt tay vào làm tôi luôn phác tỷ lệ 1:1 trên giấy, sau đó mới căn đo ra bản gỗ”-anh cho hay. Được sự khích lệ lớn từ phía đồng nghiệp và công chúng, họa sĩ Võ Văn Tiếng khẳng định, anh sẽ tiếp tục làm 1 series tranh về đề tài xã hội. Với anh, sự phong phú của đời sống sẽ là bệ phóng cho tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm