(GLO)- Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang triển khai mô hình trồng giống mì HN3 và HN5 trên diện tích 20 ha. Kết quả bước đầu cho thấy, 2 giống mì này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và kháng bệnh khảm lá vi rút, cho năng suất khoảng 40-50 tấn củ tươi/ha.
Kháng bệnh tốt, năng suất cao
Năm 2021, huyện Krông Pa đưa giống mì HN3, HN5 từ tỉnh Tây Ninh về trồng khảo nghiệm 0,3 ha tại xã Ia Rmok. Kết quả, 2 giống mới này đã cho năng suất cao và kháng bệnh khảm lá vi rút rất tốt. Do đó, vụ mùa 2022, huyện tiếp tục nhân rộng 2 giống mì HN3, HN5 trên diện tích 20 ha của 11 hộ dân ở các xã Chư Rcăm, Ia Rmok, Chư Drăng, Uar, Chư Ngọc và thị trấn Phú Túc. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% giống, vật tư nông nghiệp và hệ thống tưới nước, còn lại tự đối ứng. Khi thu hoạch, người dân được hưởng toàn bộ sản phẩm củ và 20% cây mì, 80% cây mì trả lại cho huyện để lấy giống hỗ trợ cho những hộ khác trong vụ tiếp theo. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 1,4 tỷ đồng. Đến nay, sau 6 tháng triển khai, các giống mì này phát triển rất tốt, đẻ nhánh nhiều, không bị bệnh khảm lá vi rút, khả năng chịu hạn cao và dự kiến cho năng suất 40-50 tấn củ tươi/ha.
Anh Lương Vĩnh Hải (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) cho biết: Gia đình anh có 3 ha đất, chủ yếu trồng một số giống mì như KM94, KM140. Từ khi xuất hiện bệnh khảm lá vi rút, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 20 tấn củ tươi/ha. Vụ mì năm nay, anh được hỗ trợ trồng 1 ha mì giống HN3. “Sau 6 tháng xuống giống, cây mì phát triển tốt và không có dấu hiệu bị bệnh khảm lá vi rút. Còn hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch nhưng khi nhổ thử, tôi thấy củ phát triển to, nhiều; ước năng suất đạt khoảng 40-45 tấn/ha”-anh Hải chia sẻ.
Giống mì HN3, HN5 trồng thử nghiệm tại xã Ia Rmok cho năng suất hơn 40 tấn/ha. Ảnh: Lê Nam |
Tương tự, gia đình ông Ksor Thin (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) cũng được hỗ trợ giống mì HN3 và HN5 trồng trên diện tích 1 ha. “Tôi trồng mì đã nhiều năm nay nhưng chưa thấy giống nào có thể vừa kháng bệnh khảm lá vi rút lại cho năng suất cao như vậy. Dự kiến, năng suất đạt khoảng 40 tấn/ha, cao gấp đôi so với giống mì địa phương. Năm tới, tôi sẽ nhân rộng giống này trên diện tích 4 ha”-ông Thin phấn khởi nói.
Nhân rộng giống mì mới
Krông Pa là địa phương có diện tích mì lớn nhất tỉnh với hơn 22.000 ha/năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, giống mì HLS-11 bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá vi rút. Có thời điểm, bệnh khảm lá vi rút gây hại 50-80% diện tích mì toàn huyện. Đến nay, bệnh nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM419; nhiễm trung bình trên giống KM98-5 và KM140; nhiễm ít trên giống KM94. Để loại bỏ bệnh khảm lá vi rút gây hại trên cây mì, địa phương đã triển khai các giải pháp như: nghiêm cấm người dân mua bán, trồng giống HL-S11; khuyến cáo không trồng các giống mì đã xác định nhiễm bệnh nặng là KM419, KM140; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giống ít bị bệnh để trồng là KM94.
Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện kiểm tra sự phát triển của giống mì mới. Ảnh: Lê Nam |
Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Để ngăn chặn sự lây lan bệnh khảm lá vi rút, hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình canh tác, sử dụng giống mì sạch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân chuyển đổi các giống mì bị nhiễm bệnh sang trồng giống KM94. “Cùng với đó, chúng tôi tiến hành trồng khảo nghiệm 2 giống mì mới là HN3 và HN5. Tuy nhiên, 2 giống mì mới này đang khan hiếm và giá cao gấp 3 lần so với các giống mì khác. Trước mắt, sau khi thu hoạch giống mì mới từ mô hình, huyện sẽ thu lại 80% cây mì để tiếp tục hỗ trợ người dân trồng khoảng 150 ha trong vụ tới”-ông Châu thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Sau khi triển khai mô hình trồng 20 ha giống mì HN3 và HN5, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân nhanh nguồn giống này cho người dân. Nếu như bình quân 1 ha mì có thể cung ứng giống cho vụ sau khoảng 10 ha thì phải mất 4-5 năm mới cơ bản phủ được giống mì sạch bệnh trên địa bàn huyện. Do đó, để rút ngắn thời gian, huyện vận động người dân chủ động mua các giống mì này để đưa vào trồng nhằm cùng với địa phương sớm đẩy lùi được bệnh khảm lá vi rút.
LÊ NAM