Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giọng quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ xưa, cha ông ta tối kỵ sự trêu chọc tiếng nói. Các cụ nhận định hoàn toàn đúng đắn và khuyên dạy con cháu rằng “chửi cha không bằng pha tiếng”.
1. Tiếng Việt có 3 phương ngữ chính là phương ngữ Bắc (Bắc bộ), phương ngữ Trung (Bắc Trung bộ), phương ngữ Nam (Nam Trung bộ và Nam bộ). Ngữ âm là yếu tố chính để hình thành phương ngữ. Theo định nghĩa đầy đủ thì ngoài chuyện lãnh thổ, vùng miền, một nhóm người nào đó cũng có thể tạo nên phương ngữ riêng nên ắt hẳn phương ngữ xã hội của xứ ta cũng rất đa dạng.
 Tranh minh họa: K.N.B
Tranh minh họa (nguồn internet)
Ngữ âm của dân Việt 3 miền luôn có luật bù trừ, “được cái này mất cái kia”. Người miền Bắc nói chung thường hay phát âm nhầm lẫn giữa N và L, R và D... Người Trung bộ, Nam bộ thì nhiều khi không phân biệt được từ có “g” hay không, dấu ngã và hỏi, âm D và V, C và T… Tuy nhiên, không phải ngữ âm mà từ vựng địa phương mới chính là cái gây nên chuyện bất đồng ngôn ngữ dù cùng nói tiếng Việt với nhau. Nghe người miền Bắc nói “chưa nỏ” (chưa khô), “bị rò” (bị lủng, thủng), dù đi cùng bối cảnh cụ thể cũng đôi khi khiến người nghe khó đoán. Người Nghệ An bảo “đọi cơm”, lần đầu nghe thì chắc hẳn dân Nam bộ ngỡ là “đói cơm” chứ chẳng phải “bát cơm”. Câu “hai cái dôn đập chắt ngoài cươi” (hai vợ chồng đánh nhau ngoài sân) làm nhiều người khác vùng Nghệ Tĩnh phải... bó tay. Miệt vườn miền Tây Nam bộ nói “hổm rày” (bữa giờ), “riết rồi” (mãi rồi), “mần ăn” (làm ăn)... sẽ gây khó lắm cho người đàng ngoài. Hai câu thơ đậm phương ngữ Quảng Trị: “Mô rú mô ri mô nỏ chộ/Mô rào mô roọng chộ mô nờ?” (Đâu núi đâu rừng đâu chẳng thấy/Đâu sông đâu biển thấy gì đâu) có làm choáng váng người đọc?
Xưng hô trong tiếng Việt cũng chẳng hề đơn giản, để gọi mẹ, tùy nơi mà má, mẹ, me, mệ, mợ, bu, u, vú, bầm, đẻ... Với cha thì bố, ba, thầy, cha, cậu, tía... Đối với họ hàng cũng theo quan hệ nội ngoại, ngôi thứ và tùy theo nơi mà có cách gọi khác nhau. Ngoài Bắc, chị của mẹ vẫn gọi là bác như bên cha, trong Nam thì chị hay em mẹ cũng đều được gọi là dì. Một cô gái Sài Gòn làm dâu xứ Bắc lỡ gọi chị của mẹ chồng là dì theo cách Nam bộ thì dễ mang tội bất kính lắm, hoặc giả gọi anh trai cả của chồng là anh Hai thì có khi phải nhận một sự “chỉnh huấn” từ nhà chồng.
2. Để người Việt thấu đáo tiếng Việt từng vùng miền cần một công trình nghiên cứu đồ sộ và vài bộ từ điển lớn để tham khảo chứ không đơn giản chút nào. Chẳng thế mà các nhà ngôn ngữ học đã nhận xét: Thế giới có tới 2.650 ngôn ngữ với hơn 7.000 tiếng địa phương, trong số này, tiếng Việt của chúng ta được nhiều người đánh giá đứng thứ 3 về độ khó (sau tiếng Trung Quốc và Ả Rập). Chắc rằng, sự đa dạng về ngữ âm và từ vựng địa phương là yếu tố làm nên độ khó ấy.
Là người Việt Nam, ai cũng “yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời...” (Tiếng nước tôi-Phạm Duy), ai cũng yêu giọng nói của quê hương, bản quán. Một nhà văn gốc Bình Định đã ví von: “Giọng nẫu ríu rít như tiếng chim hót”, người gốc Bắc Trung bộ lại thường nói với nhau: “Tiếng mình trọ trẹ dễ thương anh hè”. Tác giả Lê Duy Ngọc cũng có ý rất hay trong bài “Giọng Huế-Gần cảm xa thương” rằng: “Người dân ở xứ nào cũng yêu mến giọng quê của mình. Dù là người Bắc, người Nam hay người miền Trung, cứ nghe giọng nói quê mình là thấy động lòng. Người Quảng động lòng giọng Quảng, người Huế động lòng giọng Huế… Giọng quê qua miệng nói, qua tai nghe rồi đi qua tim. Giọng quê theo máu đi đến toàn thân, len lỏi qua từng tế bào rồi đi đến trú ngụ trong tâm hồn của mỗi con người”.
Một người xa xứ có thể nói 2 giọng để tạo thuận tiện trong giao tiếp, nhưng khi về nhà thì vẫn rặt tiếng quê. Trường hợp này đa phần rơi vào những người có phương ngữ Bắc Trung bộ và còn trẻ, năng động. Chúng ta hoàn toàn thấy được tính nghiêm túc trong lựa chọn của họ. Nhưng sẽ khó chấp nhận khi nhiều người tìm cách bắt chước ngữ âm khác mình để chế giễu, cười đùa. Chuyện này đang nặng nề lắm! Nhiều người không phân biệt được nói ngọng và ngữ âm, mà chuyện không nói chuẩn do khuyết tật cấu trúc phát âm của cơ thể của một người nào đó cũng không đáng nhận sự châm chọc. Đối mặt với nhau, người ta sẵn sàng pha tiếng của người đối thoại mà cười cợt. Tình trạng này đang trở nên khá phổ biến, “nạn nhân” dù bực mình nhưng cũng đành chậc lưỡi cho qua. Người ta quên rằng, đây là một hành vi thiếu văn hóa, một sự xúc phạm vùng miền; trên thực tế, kết quả là đã có trường hợp dẫn đến ẩu đả. Có lẽ, đây là những điều cần được suy ngẫm một cách nghiêm túc. 
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm