Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giữ "hồn" rượu cần truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những nguyên liệu để làm men rượu cần truyền thống đang ngày càng khan hiếm, bà Siu Á (60 tuổi, làng Bang Ngol, xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã nghĩ ra cách phơi khô vỏ, rễ cây rừng và lưu giữ trên gác bếp. Bà là một trong những phụ nữ Jrai còn giữ được bí quyết làm men rượu từ cây rừng.
Đã gần 40 năm nay, bà Siu Á vẫn chung thủy với nghề làm men rượu cần truyền thống. Căn nhà sàn đượm màu thời gian nằm giữa làng Bang Ngol hầu như lúc nào cũng chất đầy những ghè rượu cần. Vừa bước chân lên sàn nhà, chúng tôi đã nghe mùi men rượu phả ra thơm nồng. Bà Siu Á khéo léo lấy từng nguyên liệu trên gác bếp xuống đặt vào chiếc nia rộng và bắt đầu câu chuyện về men rừng.
Bà Á cho biết: Để làm men rượu cần, những phụ nữ có kinh nghiệm trong làng phải lên rừng tìm rễ, vỏ của hơn 10 loại cây rừng như: jam rưng, ré kó, hăng, kram ré, kđõh hyam... Ngày trước, nguyên liệu làm men rượu rất dễ tìm, chỉ cần men theo bìa rừng là có đủ các loại cây mang về. Bà thường theo các bà, các chị đi lấy nguyên liệu về rồi cùng nhau làm. “Việc làm men rượu cần truyền thống của người Jrai mình công phu lắm, nhất là công đoạn đi tìm nguyên liệu. Ngày nay, các loại cây rừng hiếm dần nên phải vào tận rừng sâu mới có. Có thời điểm, làng không còn men rượu do thiếu nguyên liệu. Bà con phải dùng men rượu mua sẵn ngoài chợ. Điều này khiến tôi rất buồn và trăn trở. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã nghĩ ra cách phơi khô và treo trên gác bếp để nguyên liệu không bị hư hỏng. Dù để lâu nhưng công dụng và hương vị của chúng không hề đổi khác”-bà Á chia sẻ.
Bà Siu Á chọn cách phơi khô rễ và vỏ cây rừng để làm men rượu truyền thống. Ảnh: Trần Dung
Bà Siu Á chọn cách phơi khô rễ và vỏ cây rừng để làm men rượu truyền thống. Ảnh: Trần Dung
Khi được hỏi về nét riêng của men rượu cần Bang Ngol, già làng Siu Íp tự hào nói: “Làng mình lưu giữ được men rượu truyền thống đến hôm nay là nhờ sự nỗ lực của những người phụ nữ như bà Siu Á. Từ năm 20 tuổi, bà Á đã nổi tiếng bởi làm men, ủ rượu thơm ngon. Khi nguyên liệu dần hiếm đi, bà đã nghĩ ra cách phơi khô để dùng dần. Men rượu do bà Á làm có vị ngọt đậm đà, nồng ấm, thơm ngon, không có vị chua. Vì vậy, nhiều người trong làng đã học hỏi làm theo. Men rượu được làm hoàn toàn từ cây rừng nên có độ cồn thấp, mùi thơm, dễ uống”.

Vỏ và rễ cây rừng được bà Siu Á phơi khô và bảo quản trên gác bếp. Ảnh: Trần Dung
Vỏ và rễ cây rừng được bà Siu Á phơi khô và bảo quản trên gác bếp. Ảnh: Trần Dung
Bà Siu Á chia sẻ: Theo cách của đồng bào Jrai xưa, việc làm men để ủ rượu phải bằng 100% các loại rễ, cây và tất cả công đoạn đều do người phụ nữ đảm trách. Nhờ giữ được phương pháp ủ men, làm rượu chuyên biệt nên rượu ghè làng Bang Ngol có mùi thơm đặc trưng, được mang đi giới thiệu ở nhiều sự kiện quan trọng. Bà rất vui và hạnh phúc khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Bang chọn làng Bang Ngol để thành lập “Tổ ủ men rượu truyền thống Jrai” vào năm 2019. “Việc làm này đã giúp các bà, các chị và các cháu trong làng cùng chung tay giữ gìn và bảo tồn nét đẹp truyền thống của người Jrai. Ai cũng có ý thức thì men rượu của làng sẽ được lưu giữ nhiều đời sau”-bà Á bày tỏ.
Chị Siu Bim-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Bang-cho hay: “Tổ ủ men rượu truyền thống Jrai” làng Bang Ngol có 14 thành viên. Bà Siu Á rất nỗ lực gìn giữ nguyên liệu làm men rượu từ rễ và vỏ cây rừng để chị em trong làng có thể bắt tay vào làm khi có nhu cầu. “Việc thành lập “Tổ ủ men rượu truyền thống Jrai” làng Bang Ngol nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây cũng là hình thức giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định cuộc sống dựa vào nghề truyền thống”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Bang khẳng định.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm