Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giữ hồn thổ cẩm Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, tinh hoa của núi rừng đã được thổi hồn thành những tấm thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ là đồ dùng mà còn thể hiện tâm tư, tình cảm của người dệt và là nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Tinh hoa núi rừng

Từ ngàn xưa, thổ cẩm là hiện vật không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trang phục truyền thống của người dân bản địa nơi đây là đàn ông mặc khố, áo chui đầu; còn phụ nữ mặc áo, váy dài dệt bằng thổ cẩm. Trong những lễ hội, ngày cưới, tết… trang phục này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp mà còn thể hiện văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Trên từng tấm vải thổ cẩm đều thể hiện nét đặc trưng riêng qua từng họa tiết, mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc vùng miền.
 
Xuôi theo quốc lộ 28, chúng tôi về bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) vào những ngày trung tuần tháng 12. Trong cơn gió se lạnh, cụ H’Bạch vẫn chuyên cần luồn tơ, dệt thổ cẩm trước hiên nhà. Cụ H’Bạch là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm lâu đời ở bon N’Jriêng với kinh nghiệm gần 60 năm bên khung cửi.

Mặc dù tuổi đã ngoài thất thập nhưng hàng ngày cụ H’Bạch vẫn miệt mài luồn từng sợi tơ để dệt nên tấm thổ cẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ này, những sợi bông vải đã được kết nối, hóa thân thành một bức tranh đa sắc màu, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Mạ. “Đối với đồng bào dân tộc Mạ, thổ cẩm có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày xưa, thổ cẩm được tạo ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Do đó, tất cả phụ nữ Mạ đều biết dệt thổ cẩm”, cụ H’Bạch chia sẻ.

Cụ H’Bạch cho hay, trước đây để làm nên một tấm thổ cẩm, người dệt phải mất nhiều tháng để chuẩn bị nguyên vật liệu. Theo đó, sau khi thu hoạch bông từ nương rẫy về, họ phải xe thành tơ rồi nhuộm màu. Công đoạn nhuộm màu được đánh giá kỳ công nhất, bởi các màu sắc trên thổ cẩm đều được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên. Màu đen được tạo ra bằng cách ngâm lá trám với bùn non; màu đỏ sẫm được lấy từ các loại vỏ cây rừng; màu xanh được làm bằng cách nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum… Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu, những sợi tơ mới được đan lên khung và để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp, đòi hỏi bàn tay khéo léo, thể hiện tâm hồn của người dệt.


 

Phụ nữ dân tộc Mạ tại Đắk Nông còn nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm.
Phụ nữ dân tộc Mạ tại Đắk Nông còn nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm.



Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Nông, văn hóa thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông nói riêng đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất tinh thần của đồng bào. Đặc biệt là nét hoa văn (màu sắc, đường nét, kỹ thuật trang trí) thể hiện tính triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan sâu sắc; sự hòa hợp, ứng xử của còn người với môi trường tự nhiên và lịch sử - xã hội. Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ đơn thuần là đồ dùng mà còn là sản phẩm văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Hoa văn của thổ cẩm mang một sắc thái riêng, một đặc trưng riêng, là tín hiệu thông tin quan trọng để nhận biết đặc trưng văn hóa vùng và văn hóa của từng dân tộc.

Để sống được với nghề

Chị H’Bình (37 tuổi, con cụ H’Bạch) được mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm từ khi mới 10 tuổi. Ở bon N’Jriêng, chị H’Bình được đánh giá là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất. Không những thế, chị H’Bình còn cách tân các sản phẩm của mình theo xu hướng hiện đại, phù hợp với thị hiếu giới trẻ, giúp sản phẩm thổ cẩm thêm phong phú và chị cũng phụ trách các lớp đào tạo ngành nghề dệt, góp phần bảo tồn văn hóa người Mạ.


Chị H’Bình cho biết, vài năm gần đây người dân chạy theo những trang phục hiện đại mà bỏ quên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc mình. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không phát triển. “Để dệt nên một tấm thổ cẩm phải mất 5 - 10 ngày, người dệt rất kỳ công, vì vậy sản phẩm bán ra thị trường có giá khá cao, từ 1 - 2 triệu đồng/sản phẩm nên khó tiêu thụ”, chị H’Bình cho biết.  

Trước tình trạng ngành nghề thổ cẩm dần mai một, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đã đưa dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề và tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc M’Nông, Mạ, Ê Đê tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay, các lớp học đã thu hút nhiều học viên là phụ nữ, học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia.

Theo thống kê của UBND xã Đắk R’Tih (huyện Tuy Đức), toàn xã có 1.000 phụ nữ dân tộc M’Nông thì đã có 90% biết dệt thổ cẩm. Từ năm 2017 đến nay, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông cũng kết hợp với xã Đắk Nia tổ chức nhiều lớp học dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Mạ. Đáng khích lệ rằng, những lớp học được đông đảo phụ nữ tuổi từ 18-35 tham gia.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa), cho hay qua nhiều lớp đào tạo nghề, hiện nay 80% phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số đã biết dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, đa phần người dân chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ trong gia đình chứ chưa thể sống bằng ngành nghề này do không tìm được đầu ra sản phẩm. Trước những khó khăn trên, UBND xã đã thành lập tổ hợp tác ngành nghề thổ cẩm nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm.

UBND xã cũng đã có tờ trình gửi Liên minh Hợp tác xã Đắk Nông hỗ trợ kinh phí để duy trì tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm. Trong thời gian tới nếu tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, địa phương sẽ nhân rộng ra nhiều tổ hợp tác khác. “Theo đánh giá, mỗi người trung bình làm ra 3 - 4 sản phẩm/ tháng. Nếu có thị trường tiêu thụ thì người dệt thổ cẩm có thể sống được với nghề”, bà Quản Thị Ngọc cho biết.



Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1

Từ ngày 5 đến 7-1-2019, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo về hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm thổ cẩm để người dệt có thể sống được với nghề và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu thổ cẩm Đắk Nông.

Vào ngày 26-12-2018, tại công viên bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), UBND TP Đà Lạt và UBND TP Bảo Lộc phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn “Lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Lâm Đồng”, giới thiệu những bộ sưu tập mới nhất trên chất liệu lụa Bảo Lộc và thổ cẩm của đồng bào dân tộc K’Ho, Mạ. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh (thành viên ban tổ chức), chương trình có sự tham gia của 50 người mẫu và 40 nữ sinh TP Đà Lạt. Với chủ đề về hoa, các nhà thiết kế sẽ dệt lên một khúc ca liên hoàn về tơ lụa, thổ cẩm và hoa bên bờ hồ Xuân Hương. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 125 năm TP Đà Lạt hình thành và phát triển.

 

ĐOÀN KIÊN



Đông Nguyên (saigondautu)

Có thể bạn quan tâm