Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giữ hương vị truyền thống qua nghề làm bánh ú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những ngày tháng Chạp âm lịch nơi phố xá rộn ràng, hối hả chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ 2025, ở gian bếp nhỏ nhà bà Tạ Thị Nơi (20 Bà Triệu, TP. Pleiku) hương vị Tết, không khí Tết đã sớm hiện hữu sống động qua từng cặp bánh ú truyền thống nhỏ xinh hình tam giác.

Bánh ú là một trong số loại bánh truyền thống phổ biến, lâu đời của người Việt. Mặc dù khác về hình dạng nhưng bánh ú mặn lại giống bánh tét, bánh chưng về mặt thành phần nguyên liệu nhân cơ bản như: nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ. Đây cũng là lý do nhiều người yêu thích, lựa chọn sử dụng bánh ú trong đời sống hàng ngày cũng như trong danh sách các món ăn truyền thống dịp giỗ chạp, lễ, Tết.

Bà Tạ Thị Nơi trộn đều nếp để chuẩn bị công đoạn gói bánh ú. Ảnh: Sơn Ca

Từ đầu tháng Chạp âm lịch, tiệm bánh ú nhà bà Tạ Thị Nơi (20 Bà Triệu, TP. Pleiku) đã bắt đầu nhận đơn đặt bánh của khách hàng gần xa. Nếu như ngày thường, ngoài các đơn hàng theo yêu cầu của khách thì số bánh ú bán lẻ tại nhà tầm 50-60 cặp/ngày. Trong những ngày Tết, đơn bánh ú của bà Nơi phát sinh thêm 100 -150-200 cặp/ngày. Trong gian bếp nhỏ của gia đình, từng thếp lá chuối xanh được sắp đặt gọn gàng bên nồi đậu xanh, nồi thịt ba chỉ ướp hành tiêu thơm lừng. Vừa nhanh tay trộn nếp chuẩn bị gói mẻ bánh ú mới, bà Tạ Thị Nơi (SN 1959) hồ hởi cho hay: “Toàn bộ công đoạn làm bánh ú đều làm thủ công nên tốn khá nhiều thời gian. Từ khâu chọn nguyên liệu, chuẩn bị nguyên liệu đến khâu gói bánh, luộc bánh đều phải chăm chút đồng bộ thì mới ra mẻ bánh ú ngon, chất lượng”.

Vốn là người gốc Tây Sơn (tỉnh Bình Định), để giữ gìn hương vị truyền thống đặc trưng của bánh ú, bà Tạ Thị Nơi chỉ sử dụng dầu phộng ép và hành hương xuất xứ từ Bình Định, không lạm dụng gia vị trong khâu chế biến. Ngay cả công đoạn nấu bánh, bà Nơi luôn đảm bảo thời gian nấu kéo dài đến 8 tiếng để toàn bộ hương vị đặc trưng của nếp, đậu, thịt mỡ hòa quyện mềm mại, dẻo thơm trong từng chiếc bánh ú nhỏ xinh.

Công đoạn gói bánh ú đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận để tạo hình bánh đẹp, dây lạt buộc chắc chắc mà vẫn thẩm mỹ. Ảnh: Sơn Ca

Từ một món bánh truyền thống bình dị trong ngày thường, bánh ú được nhiều người chọn mua vào dịp Tết. Ông Hồ Văn Tín (85/7 Bà Triệu, TP. Pleiku) vui vẻ cho biết: “Bánh ú giống bánh tét, bánh chưng ở chỗ đều làm từ nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ. Những ngày cận Tết công việc bề bộn, có cặp bánh ú để sẵn trong nhà rất tiện lợi, khi cần là tôi có thể ăn cùng với dưa hành, củ kiệu”.

Bên cạnh món bánh tét, bánh chưng truyền thống, mấy năm gần đây bà Nguyễn Thị Phương (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) đặt mua cả trăm cặp bánh ú để tặng cho, sử dụng trong dịp Tết. Chia sẻ về lựa chọn này, bà Nguyễn Thị Phương cho hay: “Bánh ú nhỏ gọn nên rất thuận tiện khi ăn, lại dễ bảo quản trong tủ lạnh. Bánh ú tuy nhỏ nhưng được nấu rất kỹ, đặc biệt là miếng thịt ba chỉ có mùi thơm ngon như thịt hộp, hương vị vị hòa quyện giống bánh chưng, bánh tét mà không bị mau ngán”.

Bằng đôi tay khéo léo và sự tận tâm với nghề, gia đình bà Tạ Thị Nơi luôn chăm chút tỉ mỉ để có bánh ú ngon phục vụ mọi người trong dịp Tết. Ảnh: Sơn Ca

Nếu như 50 năm trước, bà Tạ Thị Nơi-khi đó mới 16-17 tuổi vẫn phụ má mình lau lá, xếp lá, gói bánh ú để bán cho những người đi lao động, làm rẫy sau giải phóng 1975, thì nay ở độ tuổi 66, phần lớn bà chỉ dạy kinh nghiệm làm bánh ú cho con gái út Hồ Lan Hương. Là thế hệ thứ ba nối tiếp nghề truyền thống, chị Hồ Lan Hương (SN 1993) chia sẻ: “Má tôi dành nhiều tâm huyết cho nghề làm bánh ú này. Thấy má ngày càng lớn tuổi, đơn bánh nhiều làm không xuể nên tôi quyết định theo nghề để phụ má. Tôi cũng thích nghề bánh, mong muốn làm ra bánh ngon mang hương vị truyền thống được kế thừa từ bà ngoại, rồi đến má tôi”. Để nối tiếp nghề làm bánh ú, chị Hồ Lan Hương bắt đầu học từ những việc đơn giản nhất như phơi lá, lau lá, xé lá, xếp lá cho đến cách ngâm lạt, chẻ lạt. Mỗi công đoạn làm bánh đều cần phải để ý học hỏi, từ việc đơn giản như canh độ dài dây lạt gói bánh, chỉ cần hơi hụt dây chút xíu khi cột bánh là không đủ chắc, rất dễ bung khi nấu.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng là lúc gian bếp nhỏ nhà bà Tạ Thị Nơi hoạt động không ngừng, từng mẻ bánh ú được ra lò mỗi ngày để giao đến tay khách hàng gần xa. Cho dù vất vả, bận rộn đến đâu, bà Tạ Thị Nơi vẫn giữ nụ cười hiền hậu trên môi. Bởi đối với bà, ở độ tuổi này vẫn được làm nghề mình yêu thích. Bánh ngon, chất lượng, được khách hàng đón nhận là niềm vui. “Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm ra bánh ú ngon cho mọi người dùng, như một cách để trả ơn cho cuộc đời”-bà Tạ Thị Nơi bộc bạch chân thành.

Có thể bạn quan tâm