Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bếp lửa đêm cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mẹ ngồi gói đòn bánh tét cuối cùng sắp đầy trên mặt nia do ba tôi mới đan. Thấy còn dư chút gạo nếp, mẹ ráng gói thêm vài xâu bánh ú để kịp nấu chín cúng Giao thừa.

Còn bánh tét, tiếp tục nấu đến sáng mùng 1 mới vớt ra để cúng đầu năm. Năm nào cũng vậy, từ ngày 28-29 Tết, mẹ lại bận rộn với công việc bên nhà bà con hàng xóm. Họ mời mẹ đến nhà gói giúp bánh tét, bánh ú vì hâm mộ người có đôi “bàn tay vàng” gói bánh.

Vì vậy, đến chiều 30, khi xóm giềng đỏ bếp thì mẹ mới bắt đầu lo cho mâm Tết nhà mình. Biết thế nên cha con tôi lo chuẩn bị lá chuối, lạt giang, làm nhân và vo gạo nếp để ráo chờ mẹ về gói bánh.

Ở quê ngày ấy, hầu như ai cũng biết làm các loại bánh truyền thống nhưng không phải người nào cũng khéo tay, làm bánh vừa đẹp vừa ngon như mẹ tôi. Mẹ kể, ngày xưa, ông bà ngoại rất khắt khe trong việc dạy con gái chu toàn nội trợ gia đình. Bà ngoại hay lấy 4 chữ công-dung-ngôn-hạnh làm chuẩn mực để đo phẩm hạnh của người phụ nữ. Mẹ nói, nhờ vậy mà mẹ và các dì đều trưởng thành, lớn lên đã biết làm mọi việc trong gia đình một cách thành thạo.

Những đòn bánh tét được mẹ gói khá chặt tay, nhân trải đều ngay hàng thẳng lối, lá chuối sắp đều đặn 2 lớp. Bánh no tròn, thẳng thớm, sợi lạt buộc đều đặn, các mối lạt nằm ngay ngắn, trông đẹp đẽ, hấp dẫn.

Mỗi lần tôi tham gia buộc lạt trên đòn bánh, bao giờ mẹ cũng kiểm tra và sửa lại cho cẩn thận. Mẹ thường nói với anh em tôi: Muốn bánh tét thơm ngon, để lâu ra Giêng được thì mọi công đoạn, từ việc chọn nếp thơm, lá chuối đủ độ già và phơi vừa héo đến làm nhân, gói bánh phải thận trọng và nấu phải đúng độ. Do vậy, cần chọn củi tốt, đun lửa phải cháy đều trong thời gian nhất định và châm nước cho nồi bánh đúng cách, đủ liều lượng...

Ngày trước, người miền Trung thường chọn mua gạo nếp Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) để làm bánh Tết vì nơi đây còn lưu truyền loại nếp ngự rất quý. Đây là giống nếp hạt tròn, khi nấu rất thơm, dẻo nên được mọi người ưa chuộng.

Nghe đâu, người Quảng Nam quê tôi cũng sưu tầm được giống nếp thơm ngon về cấy ở đồng Phú Quý, mà sau này người ta gọi là nếp bầu, cũng không kém nếp ngự là bao.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Để nấu nồi bánh tét đêm 30, mấy ngày trước, tôi được mẹ phân công tìm củi khô, loại cây săn chắc, cháy đượm, tốt nhất là gốc tre già. Tới buổi đêm, cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng nghe cha mẹ ôn lại bao chuyện ngày qua.

Gần thời khắc Giao thừa, cha tôi vào nhà thay bộ đồ mới rồi đến ban thờ đốt đèn, thắp hương và đặt đĩa bánh in, bánh khảo và xâu bánh ú mới vớt ra còn nóng hổi để cúng tổ tiên, ông bà.

Chúng tôi vẫn ngồi quanh bếp lửa với nồi bánh tét còn đang sôi và mẹ đã châm nước đôi lần. Mọi khi, đêm nào học bài khuya, tôi và các em hay ngồi ngủ gật trên bàn.

Nhưng trong những đêm Giao thừa tiễn đưa năm cũ, lòng tôi lúc nào cũng nôn nao, bồi hồi khó tả. Tôi thấy lòng trào dâng niềm yêu thương vô bờ, thấy thật hạnh phúc khi được ở bên cha mẹ, anh em trong không khí ấm áp của gia đình cùng đất trời đón mừng thời khắc tươi đẹp của ngày xuân mới.

Có thể bạn quan tâm